Bởi lẽ cứ sau mỗi mùa mưa lũ, những trận thiên tai qua đi thì tình trạng ém tiền, hàng cứu trợ, vốn là tấm lòng người dân cả nước lại xảy ra. Nhưng ém tiền cứu trợ tới sáu năm trời thì chắc chỉ có ở Diễn Hải.
Chẳng ai mong muốn bị thiên tai để được hỗ trợ. Nhưng thiên tai là một điều khó có thể tránh khỏi. Nó có thể giáng xuống bất kỳ địa bàn nào, bất kỳ một gia đình nào, cá nhân nào. Thiên tai cướp đi sinh mạng, của cải, thành quả lao động của người dân, đẩy cuộc sống vào chốn lầm than. Những lúc ấy, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Vì thế tiền cứu trợ thiên tai cho dân phải được đưa đến đúng địa chỉ và kịp thời.
Từ năm 2008, bằng Nghị định 64, cho đến năm 2013, với Luật Phòng, chống thiên tai, hành lang pháp lý cho việc hỗ trợ khẩn cấp, cũng như hỗ trợ trung hạn, dài hạn đã được mở ra. Đây là một chính sách hết sức nhân văn cho những người dân, những vùng bị thiên tai đang cần đến những sự giúp đỡ nhân đạo từ Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Trong cơn bĩ cực, người dân cần hỗ trợ khẩn cấp để cứu vãn sinh hoạt tức thời thì những hình thức hỗ trợ trung hạn, dài hạn cũng chỉ có mục đích là để người dân, các địa phương bị thiên tai khắc phục khó khăn, trở lại cuộc sống bình thường.
Nhưng như ở xã Diễn Hải, những mục đích nhân văn ấy lại bị cơn nhân tai mang tên “vô trách nhiệm” tàn phá khủng khiếp. Sáu năm trời số tiền cả trăm triệu bị ách tắc thì cũng là sáu năm trời người dân không được tạo điều kiện để khôi phục sản xuất, trở lại cuộc sống bình thường.
Sáu năm trời hàng trăm triệu ấy bị ém nhẹm cũng là khoảng thời gian mà sự khốn khổ của người dân chẳng những không được vơi đi mà còn trở nên trầm trọng hơn do niềm tin đã bị cạn kiệt.
Đáng tiếc, trách nhiệm thực thi pháp lý trong việc cứu trợ đã bị bỏ quên. Đáng tiếc, đạo lý “cứu người như cứu hỏa” đã không có chỗ đứng trong tâm khảm và hành động của những cán bộ thừa hành.
Nguy hiểm hơn, hành động ém tiền cứu trợ suốt sáu năm trời đã vi phạm điều cấm tại Nghị định 64 cũng như Luật Phòng, chống thiên tai. Theo đó, việc “sử dụng sai mục đích, chiếm dụng, làm thất thoát tiền và hàng cứu trợ; cứu trợ không kịp thời, không đúng đối tượng” chính là một trong 10 hành vi bị cấm.
Những chính sách nhân đạo chỉ có thể được thực thi công bằng, niềm tin của người dân vào chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước chỉ có thể được khôi phục khi vụ việc này được làm sáng tỏ và xử lý nghiêm minh.