Đếm sao cho hết nghĩa tình người Sài Gòn

LTS: Tại Lễ tuyên dương Những tấm gương thầm lặng mà cao cả (tháng 3-2021), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nói: “Hãy để cái đẹp, cái tốt, cái nghĩa tình mãi mãi trở thành lẽ sống và cũng là thương hiệu của người dân TP.HCM”. Lịch sử hình thành và phát triển trải dài suốt hơn 300 năm của Sài Gòn cho đến TP.HCM ngày nay luôn gắn liền với thương hiệu này.

Báo Pháp Luật TP.HCM xin ghi lại những câu chuyệntại TP.HCM từ đó truyền tải thông điệp, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Giữa cái nắng gắt một ngày tháng 4, ông Nguyễn Văn Tư (ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) trở về căn nhà của mình lúc đồng hồ đã điểm 11 giờ trưa. Gương mặt ông nhễ nhại mồ hôi vì nắng nóng.

Ông Tư vừa trở về nhà sau một buổi sáng rong ruổi khắp quận 4 để người lao động nghèo có thể đến lấy đồ với giá 0 đồng. Nhiều năm qua, chuyến xe của ông đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân TP. Người ta thường gọi ông bằng cách gọi thân thương là “ông Tư Ẩn”.

Mỗi ngày, từ 7 giờ sáng, ông Tư Ẩn đứng ở góc đường Tôn Thất Thuyết (quận 4) khoảng 1 giờ đồng hồ. Một tiếng sau, ông chạy xe rảo quanh các con đường, khu chợ bình dân, bệnh viện, cổng chùa để ai cần thì đến lấy.

Ngang trạm xe buýt, thấy có ba người đàn ông vẫy tay, ông không ngần ngại tấp vào lề, dừng xe, họ chọn những chiếc áo, chiếc quần phù hợp. Ngắm vóc dáng từng người, ông chọn một chiếc sơ mi rồi kê cái máy vào thanh quản, hỏi: “Anh thấy thích cái này không?”. Người đàn ông gật đầu, ông Tư lấy bao nilon đã chuẩn bị sẵn, bỏ vào rồi buộc lại thật kĩ, đưa cho người đàn ông kèm cái vỗ vai, không quên dặn: “Khi nào cần thì cứ lấy nhen chú”.   

Anh Trần Việt Hùng (ngụ quận 4) vừa chọn được cho mình hai chiếc áo từ chuyến xe của ông Tư. Sau một hồi ướm thử, nhờ ông Tư “ngó xem có hợp không?”, ông Tư hỏi: “Có lấy thêm quần không?”. Anh Hùng lắc đầu: “Nay con lấy hai cái áo rồi ông Tư, để dành cho người sau nữa”.

11 giờ, ông Tư Ẩn trở về nhà nghỉ ngơi; đến 15 giờ lại tiếp tục rảo chiếc xe khắp các Khu chế xuất, khu công nghiệp ở huyện Nhà Bè. Những tấm áo, chiếc quần trên xe của ông trở thành người bạn mới của nhiều công nhân nơi đây.

10 năm trước, ông Tư Ẩn bị chèn dây thanh quản buộc phải mổ. Kể từ đó, ông không nói được. Muốn giao tiếp, ông phải dùng máy hỗ trợ, ép vào dây thanh quản để phát ra tiếng. Nhiều người không nghe được ông nói gì, liền bảo ông là “ông già câm”. Cũng lắm người bảo ông không nói được lại làm việc bao đồng, gọi ông là “ông già vừa câm lại vừa điên”.

Nhưng ông Tư chẳng bao giờ bận tâm về chuyện người ta bảo ông là người câm, người điên. “Mình không làm gì trái lương tâm mình là được rồi, sao phải bận tâm lời họ nói”- ông Tư cười hiền.

Cứ thế, ông Tư ngày ngày cặm cụi gieo yêu thương cho đời bằng từng tấm áo, từng chuyến xe rong ruổi trên khắp đường phố Sài Gòn. Ở nhà, ông dành hẳn một cái kho lớn để treo hàng đống áo quần.

Lúc còn trẻ, ông Tư là một tài xế lái xe đường dài. Khi tuổi đã cao, ông không chạy xe nữa mà dành thời gian để làm thiện nguyện. Ông bảo, sống hơn nửa đời người, ông nhìn thấy rất nhiều người lao động nghèo không có tiền mua áo quần để mặc.

Chỉ vậy, ông bỏ tiền túi của mình ra mua áo quần rồi chất lên xe, chở đi khắp nơi cho những ai cần thì lấy. Ban đầu, ông Tư chỉ chở áo quần trên chiếc xe nhỏ do ông tự chế. Ông cũng không giới hạn mỗi người lấy bao nhiêu cái. Ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy, tùy thuộc vào hoàn cảnh và nhu cầu của chính họ.

Sau này, khi chiếc xe của ông được nhiều người biết đến, có mạnh thường quân đã đến gặp và tặng ông chiếc xe bốn bánh như hiện giờ chỉ với mong muốn “để chú chở được nhiều áo quần hơn đến với bà con”. Trên chiếc xe này, ông gắn cái bảng nhỏ ghi dòng chữ “Tư Ẩn của người lao động- Quần áo tự chọn giá 0 đồng”. Bên trên chiếc xe, ông gắn thêm mấy chữ: “Chọn vừa cứ lấy, không vừa để lại chỗ cũ”.

Việc làm của ông Tư lúc đầu không được gia đình đồng ý. Chỉ bởi, tuổi đã ngoài 80 mà mỗi ngày đi hơn 50 cây số, vợ con ông đều xót. Nhưng dần dà, sự nhiệt thành, say mê của ông cùng nụ cười hạnh phúc, lời cảm ơn của những người lao động khiến cả nhà cùng đồng lòng ủng hộ.

Để duy trì được xe quần áo suốt 4 năm với cái giá 0 đồng là điều không dễ. Ông Tư kể, ông tự bỏ tiền túi ra lo một phần, phần còn lại được người dân từ khắp nơi biết rồi gửi đến.

Ông cũng đến những nơi xa xôi như huyện Cần Giờ để bà con có cơ hội được lựa những tấm áo mới.

Cũng nhờ sự đồng lòng, chung tay của nhiều người mà chuyến xe của ông đi đến với bà con nhiều tỉnh khác chứ không chỉ ở Sài Gòn. Đến nay, đã có 17 chuyến xe chở áo quần từ kho hàng của ông Tư Ẩn đến với bà con miền Trung, sau đó là các tỉnh miền Tây. Điều duy nhất ông tiếc nuối là chưa thể đến với bà con lao động ở miền Bắc.

Nghe nhiều người nói ông già rồi nên nghỉ ngơi để dưỡng sức.

Một ngày trước khi gặp tôi, Nguyễn Đỗ Trúc Phương (26 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) đã cùng mọi người đi về thăm, tặng quà và hỗ trợ cho bà con ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. “Mệt quá chừng luôn nhưng mà vui”- Phương mở đầu câu chuyện của mình khi nhắc về chuyến đi.

Chuyến đi này, Phương cũng kêu gọi cộng đồng mạng cùng chung tay góp sức. Số tiền nhận được từ mạnh thường quân, Phương ưu tiên một khoản lớn để xây nhà cho một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất ở đây. Số còn lại, Phương chia thành nhiều phần quà để gửi tặng cho mỗi gia đình. Với Phương, đó là một trải nghiệm khó quên, giúp Phương hiểu rõ thêm về đời sống của người lao động.

Trúc Phương bắt đầu với công việc thiện nguyện từ thời sinh viên. Khi du học ở nước ngoài, Phương vẫn đều đặn có những khoản đóng góp khi bắt gặp một hoàn cảnh không may.

Nhưng, chỉ khi trở về nước, Phương mới nhận ra “máu thiện nguyện” đã thấm sâu hơn vào con người mình. Phương giản dị với quần jeans, áo thun, không ngại nắng mưa, tìm đến những khu lao động nghèo, bắt chuyện với những người già đang ngày ngày mưu sinh ngoài đường phố Sài Gòn. Nhìn Phương lúc đó, không ai nghĩ cô gái 26 tuổi này đang quản lý một khách sạn lớn ở quận 1.

Cách mà Phương giúp không chỉ đơn thuần là trao tiền cho xong. Phương đến tận nhà để xem họ cần gì, đang thiếu cái gì, mong ước của họ ra sao; từ đó có sự hỗ trợ đúng với nhu cầu của chính họ. Có cụ già, Phương lo từ căn phòng trọ, các phương tiện sinh hoạt, dẫn các cụ đi mua sắm những thứ họ cần. Sau cùng, Phương muốn biết họ mong ước điều gì nhất thì sẽ giúp trong khả năng của mình.
Phương từng biến ước mơ có một chiếc xe máy của một cụ già chạy xe ôm trở thành hiện thực, để ông có thêm phương tiên mưu sinh an toàn hơn. Phương cũng từng giúp chú Minh “cô đơn” ở làng đại học sắm lại chiếc xe ba gác khi chiếc xe của chú đã bị mất.

“Mình nghĩ, giúp họ không phải ở việc đưa tiền cho họ dùng. Cái mình giúp là từ những gì cần thiết nhất trong đời sống hàng ngày. Việc mình làm, là phần nào đó giúp cải thiện cuộc sống hiện tại của các cụ”- Phương chân thành.

Phương nói, bản thân khi giúp một ai đó không bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ mong họ đền đáp lại cho mình.

Cũng chính những lần gặp gỡ, trò chuyện với các cụ, Phương nhận ra thật nhiều giá trị trong cuộc sống. Đó là một cụ ông bán vé số trên vỉa hè quận 1 với tấm biển:  “Tôi bị câm điếc xin cô bác làm ơn giúp đỡ”. Không kiềm được lòng mình, Phương kêu gọi mọi người cùng chia sẻ với ông. Khoản tiền quyên góp lên đến 75 triệu đồng.

“Nhưng hôm Phương quay lại để gửi cho ông tấm lòng thơm thảo của mọi người thì ông từ chối. Sau khi trò chuyện một lúc lâu, mình bảo vậy mình sẽ gửi ông 20 triệu đồng nhưng ông bảo chỉ lấy 5 triệu thôi. Còn lại hãy giúp ông chia cho những người khó khăn hơn. Ông nói vẫn còn sức để đi làm nên chỉ nhận vừa đủ. Ông rất cương quyết như vậy và gửi lời cảm ơn tới tấm lòng của mọi người”- Phương kể lại.

Từ ông, Phương bảo bản thân học được một bài học: “Khi biết đủ, tự lòng mình sẽ thấy an nhiên”.

Từ người lạ thành quen, những cái tên như chú Minh “cô đơn”, chú Chánh bán kem, chú Thành xe ôm… dần trở nên thân thuộc qua cách gọi của Phương. Đó là món quà ý nghĩa nhất mà cô gái 26 tuổi rất trân quý.

Tuyến Quốc lộ 22, đoạn qua huyện Củ Chi một trưa nắng gắt. Rảo mắt nhìn, bỗng thấy xuất hiện một bình nước uống với dòng chữ: “Nước uống miễn phí”. Chủ nhân của bình nước này là một người phụ nữ quê ở Phú Yên, sau một biến cố gia đình đã cùng hai đứa con vào Sài Gòn để tìm một cuộc sống mới.

Đôi tay co quắp, nhiều vết sẹo, chị Lê Thị Kim Ngân (ngụ ở huyện Củ Chi) sửa lại bình nước đặt trước nhà rồi cười bảo: “Mình không có nhiều tiền thì làm vừa đủ với khả năng của mình, miễn sao đó là việc tốt”.

Chị Ngân từng có một mái ấm nhỏ, từng là chủ của một tiệm áo quần, hai tiệm Internet ở quê nhà. Chồng chị nghiện bóng đá dẫn đến nợ nần. Biến cố xảy ra khi cách đây ba năm, người chồng của chị thiêu lửa đốt cả vợ lẫn con. May mắn, chị đưa được hai con ra ngoài an toàn; nhưng toàn thân chị lại phải chịu vết bỏng nặng.

Ngày dắt con vào Sài Gòn, chị phập phồng lo âu vì không biết sẽ sống như thế nào ở chốn người. Vậy mà, chính sự thân thiện của người Sài Gòn đã giúp chị có nghị lực vực lại cuộc sống.

“Hồi mới vào Sài Gòn khám bệnh, tôi ngạc nhiên thi thấy có mấy con đường ở đây có để bình nước miễn phí, ai khát cứ đến uống. Những ngày đó, tôi và hai con hay ghé lại uống lắm. Sau này, tôi thấy việc làm đó nhỏ mà hay quá, ít nhất là với cảm nhận của bản thân tôi nên cũng muốn làm. 

Mỗi tháng, chị Ngân lại dắt con vào các thăm các trẻ khuyết tật, mồ côi ở các trung tâm, mái ấm. Mỗi lần đến, chị đều mang theo cho các em những phần quà gồm bánh, sữa… Cũng vẫn cái suy nghĩ có bao nhiêu sẻ chia bấy nhiêu, chị làm mọi thứ trong khả năng của mình để các em cảm thấy ấm cúng hơn.

Chị Ngân cũng là chủ một Fanpage với tên gọi Câu lạc bộ Trái tim yêu thương. Chị mở kênh này với hy vọng đây sẽ là kênh giúp người khuyết tật trang trải thêm chi phí thông qua việc bán hàng online vì chị cũng đã từng nằm một chỗ, từng rơi vào bế tắc và hiểu được nỗi khó khăn của họ.

Chính nhờ mảnh đất Sài Gòn với quá nhiều sự bao bọc của những người dưng xa lạ, chị có công việc, có căn nhà để ở, lo cho hai đứa con. Chị Ngân nói, nhờ tấm lòng của người dân nơi đây chị mới có cơ hội xây mới cuộc đời mình.

Đều đặn vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, nhiều bố mẹ của các bệnh nhi ở BV Nhi đồng 2, TP.HCM lại rủ nhau đi nhận cháo sườn, tôm hay súp hải sản… cho con ở Bếp sẻ chia.

Chị Tường Vy, một thành viên của Bếp, chia sẻ, ý tưởng thành lập bếp bắt đầu từ hơn một năm trước, khi một lần tình cờ, chị đi ngang BV Ung bướu và nhìn thấy người ta xếp hàng dài để nhận đồ ăn. Chị trăn trở đi khắp BV Ung bướu, BV Nhi đồng mấy ngày liền để quan sát, tìm hiểu.

Sau đó, chị thử nấu 50 suất cháo rồi đứng ở cổng BV phát thử. Thấy nhiều người đến xin, chị tăng dần số lượng để có thêm nhiều người được nhận. Duyên lành đưa đẩy, chị gặp một người chuyên giúp đỡ các em ở khoa ung bướu rồi được kết nối để vào tận BV phát cho người bệnh.

Từ 50 suất trong ngày đầu, đến giờ bếp đã phát đến 600 suất mỗi ngày. Chị Vy nói, sở dĩ chị có thể duy trì bếp là nhờ sự chung tay của bạn bè và nhiều người nữa. Mỗi người cùng đóng góp cho bếp bằng nhiều hình thức, người góp tiền, người góp công sức, tấm lòng nên đến nay bếp vẫn duy trì và hoạt động định kỳ mỗi tuần.

Chị chia sẻ, động lực để duy trì bếp một phần chính là sự trông chờ của bố mẹ và bản thân các em. Mặt khác, sự sẻ chia của mọi người từ quen cho đến xa lạ khiến chị cảm giác có một sợi dây kết nối để bếp duy trì được đến hôm nay. Có những em sinh viên tuần nào cũng đến phụ giúp mọi người vì muốn được sẻ chia.

Quán bún riêu của vợ chồng chị Trần Thị Quỳnh Mai (37 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) mỗi ngày đều mở cửa từ 4 giờ sáng để kịp bán cho công nhân phải đi làm sớm. 7 tháng mở quán, chị đặt trước quán một cái biển nhỏ nội dung miễn phí cho người già, người khuyết tật, người bán vé số, người khó khăn…

Trong suy nghĩ của mình, chị Quỳnh Mai chưa một lần bày tỏ sự nghi ngờ về hoàn cảnh, nỗi khó khăn của người khác. Người ta hỏi, làm sao biết được người khác khó khăn mà miễn phí cho họ, chị chỉ cười: “Họ bảo khó khăn thì mình tin thôi chứ sao”.

Lúc mở quán, chị thấy con đường chị đang ở có nhiều người khó khăn, lớn tuổi vẫn phải bươn chải mưu sinh nên thật tâm muốn hỗ trợ họ được phần nào hay phần đó.

Đâu đó giữa lòng Sài Gòn vẫn có những căn bếp âm thầm đỏ lửa để kịp trao đi những phần cơm nóng hỏi cho nhiều bệnh nhân, người nghèo khó. Thật khó để có thể điểm hết bằng từng con số cho cụ thể…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm