Formosa là thủ phạm làm cá chết hàng loạt

Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp công nghiệp gang thép Formosa Hà Tĩnh (FHS) là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, khiến hải sản chết bất thường từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. FHS thừa nhận trách nhiệm, cam kết bồi thường 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD. Đây là thông tin được cung cấp tại buổi họp báo chiều 30-6, do Văn phòng Chính phủ tổ chức.

Cá chết do chất thải cực độc

Chủ trì họp báo, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ, khẳng định: Ngay sau khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, huy động tất cả cơ quan chức năng vào cuộc. Quá trình điều tra công phu, cẩn trọng đi đến kết luận nguyên nhân cá chết là do nguồn thải lớn, xuất phát từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh), chứa nhiều loại độc tố như phenol, xyanua… kết hợp với hydroxit sắt Fe(OH)2, tạo thành một hỗn hợp độc hại. Hỗn hợp này có tỉ trọng lớn hơn nước biển, chìm xuống tầng đáy, theo dòng hải lưu di chuyển dọc theo vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế khiến cá chết bất thường ven biển.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà giải thích thêm, hỗn hợp này còn thu hút các loại kim loại nặng độc hại, thành một dạng hấp thụ mạnh ôxy trong nước biển gây hủy hoại hệ sinh thái biển. Các độc chất này chỉ có thể được phát thải trong quá trình luyện than cốc, luyện thép.

Các biện pháp điều tra rất khoa học đã phát hiện: Trước thời điểm cá chết hàng loạt, FHS đang chạy thử hệ thống luyện than cốc, luyện thép. Trong đó có năm ngày (từ ngày 1 đến 5-4) mức độ tiêu thụ điện năng của tổ hợp sụt giảm còn 15% so với mức tiêu thụ bình thường trước và sau đó. Kết hợp với các thông số vận hành FHS, đủ cơ sở vững chắc kết luận hệ thống xử lý nước thải từ khu luyện cốc đã không hoạt động bình thường, dẫn tới xả thải phenol, xyanua... độc hại ra ngoài. Các chất độc này lại kết hợp với Fe(OH)2 và nhiều kim loại nặng khác từ khu vực luyện thép tạo ra hỗn hợp nêu trên.

Từ các bằng chứng vững chắc này, quá trình đấu tranh đến ngày 28-6, FHS mới ký văn bản nhận trách nhiệm về sự cố môi trường nghiêm trọng ven biển bốn tỉnh miền Trung. FHS cam kết bồi thường 500 triệu USD.

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chủ trì buổi họp báo. Ảnh: N.Nhân

Nhiều bài học đắt giá

Tại sao xác định được nguyên nhân cá chết khá lâu rồi mà không công bố? Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho hay khi đã tìm được nguyên nhân rồi thì bước tiếp theo là phải đấu tranh để tìm ra thủ phạm gây ra chất thải độc hại ấy. Việc đấu tranh phải huy động nhiều cơ quan vào cuộc và đối tượng đấu tranh là con người, tổ chức cụ thể nên rất phức tạp.

“Thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến phản ứng về việc chậm công bố nguyên nhân cá chết. Trên mạng xã hội có nhiều ý kiến phê phán. Tôi cho rằng bức xúc đó là chính đáng. Tuy nhiên, có những phản ứng thái quá, suy diễn không dựa trên kết quả điều tra làm nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn cho cuộc đấu tranh. Tôi cũng nói thẳng là có một số lực lượng đã lợi dụng sự bức xúc ấy để kích động” - Bộ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Bài học đắt giá mà Việt Nam rút ra từ sự việc này, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà là còn những kẽ hở pháp luật về môi trường. Chẳng hạn, một số quy chuẩn nước thải công nghiệp, nước thải với ngành gang thép chưa bao quát hết các nguồn thải của FHS. Về cơ chế kiểm soát, một lỗ hổng lớn là chỉ quy định bắt buộc kiểm tra xả thải khi nhà máy đi vào sản xuất chính thức. Trường hợp này, chất thải độc hại xuất hiện ngay trong quá trình chạy thử, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã không vào cuộc kịp thời.

Kết thúc họp báo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết từ kết quả điều tra vụ cá chết, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát toàn bộ quy hoạch môi trường, quy chuẩn môi trường. “Thủ tướng yêu cầu phải xem xét trách nhiệm các cán bộ, công chức liên quan dù bất cứ cấp nào. Việc có khởi tố hình sự hay không sẽ tùy thuộc vào cơ quan pháp luật, Chính phủ không can thiệp” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngư dân mong muốn tiếp tục ra khơi

Sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết, tình hình an ninh trật tự tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh vẫn ổn định. Các ngư dân tại thị xã Kỳ Anh tỏ ra khá điềm tĩnh. Đa số họ mong được bồi thường thỏa đáng, được hỗ trợ đóng tàu lớn vươn khơi xa, bám biển.

Ngư dân Nguyễn Viết Nam, xã Kỳ Phương, nói: “Chúng tôi rất nhớ biển, giờ mong muốn được Formosa bồi thường thỏa đáng, biển sớm sạch trở lại để tiếp tục vươn khơi”.

Tối 30-6, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã họp triển khai các biện pháp tiếp tục khắc phục, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau sự cố. Tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giúp bà con ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu kinh tế Vũng Áng.

ĐẮC LAM

Toàn cảnh vụ cá chết ở bốn tỉnh miền Trung

- Ngày 6-4, khu vực ven biển một số xã thuộc huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh xuất hiện cá chết bất thường. Ngày 10-4, hiện tượng cá biển chết lan tới tỉnh Quảng Bình. Ngày 15-4, tỉnh Thừa Thiên-Huế bắt đầu có cá chết dạt vào bờ. Tới ngày 19-4, tỉnh Quảng Trị cũng ghi nhận hiện tượng cá biển chết hàng loạt.

- Sáng 19-4, Tổng cục Thủy sản đến Hà Tĩnh kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân cá chết. Nguyên nhân ban đầu được xác định là cá chết do chất độc nhưng chưa rõ đó là chất gì.

- Ngày 20-4, một thợ lặn ở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh phát hiện đường ống xả thải ngầm của Nhà máy Formosa dưới đáy biển Vũng Áng. Thông tin này khiến dư luận nghi ngờ Formosa đã xả chất độc ra môi trường khiến cá biển chết.

- Ngày 22-4, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ các thông tin về “nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng”. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ TN&MT chủ trì, làm rõ nguyên nhân cá chết bất thường.

- Ngày 27-4, Bộ TN&MT họp báo, công bố độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và tảo nở hoa là hai nguyên nhân được khoanh vùng.

- Từ ngày 4 đến 7-5, tổng kiểm tra việc xả thải tại dự án Formosa.

ĐẮC LAM - ĐẶNG TRUNG tổng hợp

Cam kết bồi thường 500 triệu USD là FHS ký với Bộ TN&MT, tôi chưa rõ nội dung cụ thể. Nhưng mấy ngày tới sẽ họp bàn xem cơ chế chi trả thế nào. Chắc sẽ phải thống kê thiệt hại cụ thể từng hộ dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng. Nhưng tinh thần thì người dân sẽ được thụ hưởng số tiền bồi thường này.

Ông MAI TIẾN DŨNG,
người phát ngôn Chính phủ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới