Gần 100% công nhân bị tội phạm mạng lợi dụng

(PLO)- Trong các vụ án xảy ra tại những khu công nghiệp thuộc các tỉnh như Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai… gần 100% công nhân là nạn nhân của tội phạm mạng xã hội.

Ngày 23-10, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban công tác dư luận xã hội Quý IV năm 2024 và thông tin chuyên đề “Tình hình an ninh mạng và tội phạm công nghệ cao hiện nay”.

Tại hội nghị, một số công đoàn đã thông tin tình hình lao động doanh nghiệp cuối năm liên quan đến sản xuất đơn hàng, khó khăn trong việc duy trì sản xuất do thiếu lao động trong các đơn hàng cuối năm… Đặc biệt là thông tin liên quan đến tình hình an ninh mạng và tội phạm công nghệ cao đang diễn biến phức tạp.

Theo Thượng tá - Thạc sĩ Đỗ Minh Kim, Phó Trưởng phòng 3, Cục A05 (Bộ Công an), các đối tượng xấu đang lợi dụng các hội nhóm liên quan đến công nhân, tác động qua nhiều kênh khác nhau mà không công khai kêu gọi trực tiếp để phát tán thông tin lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, kêu gọi đầu tư, làm nhiệm vụ ảo, lô đề, đánh bạc... gây phức tạp tình hình trật tự an toàn xã hội.

Thượng tá - Thạc sĩ Đỗ Minh Kim, Phó Trưởng phòng 3, Cục A05 (Bộ Công an) phát biểu tại hội nghị.

“Một số công ty cho thuê tài chính và ứng dụng vay tiền cũng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của công nhân, thu thập thông tin cá nhân để móc nối với các nhóm lừa đảo. Thậm chí, họ mở thẻ ATM cho công nhân rồi bán lại cho các đối tượng lừa đảo.

10 năm trước đây đã xuất hiện các hình thức lừa đảo như “bạn may mắn trúng thưởng xe SH” yêu cầu điền phiếu thông tin để nhận giải. Những chiêu trò này tuy cũ nhưng vẫn được tái diễn và có thể gây thiệt hại cho người lao động thiếu cảnh giác” - Thượng tá Kim cho hay.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 72 triệu tài khoản Facebook, con số này đặt ra nhiều vấn đề đáng lưu ý. Trên không gian mạng, có khoảng 200 nhóm với hơn 1 triệu thành viên cho mỗi nhóm và một người có thể tham gia vào nhiều nhóm khác nhau.

Khi một thông tin được phát tán, các hội nhóm này có khả năng tiếp cận từ 60 đến 70 triệu người tại Việt Nam. Đây là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm mạng lợi dụng, sử dụng chiêu trò “thả thính” để lừa đảo, với các đường link chứa mã độc được xem như “mồi câu”. Nếu không tỉnh táo, người dùng dễ dàng trở thành nạn nhân của những tội phạm mạng này.

Cũng theo Thượng tá Kim, trên Facebook, chỉ cần người dùng dừng xem một quảng cáo khoảng 10 giây, ngay lập tức các nội dung tương tự sẽ xuất hiện tràn ngập trên tường, khiến luồng thông tin trở nên dày đặc và tạo ảnh hưởng lớn đến tâm lý người lao động.

Đáng nói là người Việt hiện đang nằm trong nhóm sử dụng mạng xã hội nhiều nhất thế giới, với thói quen "lang thang" trên mạng kéo dài hàng giờ mỗi ngày. Tội phạm mạng đã lợi dụng thói quen này để thực hiện nhiều chiêu trò lừa đảo, trong đó đáng lo ngại nhất là việc tống tiền bằng cách thu thập clip nhạy cảm, tiếp cận một số đối tượng độc thân…

Khi những đoạn clip nhạy cảm này bị đăng lên mạng, ngay lập tức xuất hiện hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bình luận từ những người giả danh xin link.

Nạn nhân khi nhấp vào những đường link đó không chỉ bị phát tán clip, mà còn bị mã độc tấn công vào thiết bị, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn về tài chính và thông tin cá nhân.

Việc thiếu thông tin, kinh nghiệm và kỹ năng xử lý các tình huống tấn công mạng đã khiến nhiều công nhân trở thành mục tiêu dễ dàng của các đối tượng lừa đảo và tội phạm công nghệ cao.

Vì thế, Thượng tá Kim mong muốn sau hội nghị này, công đoàn cũng như doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tội phạm mạng đặc biệt là công nhân lao động, giúp họ nắm bắt được những phương thức tấn công phổ biến cũng như cách tự bảo vệ bản thân.

"Theo các chuyên gia bảo mật quốc tế, mỗi giây có 2 mã độc mới ra đời, mỗi phút có 2,7 triệu nạn nhân của tội phạm mạng. Cạnh đó, thiệt hại do tội phạm mạng gây ra lớn hơn bất kỳ loại hình phạm pháp nào, kể cả tội phạm ma túy với số tiền thiệt hại hàng năm lên đến 600 tỉ USD" - Thượng tá, Thạc sĩ Đỗ Minh Kim thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới