Hành lang giữa lô A và lô B chung cư Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) chỉ rộng chưa đầy 6 m2 là chỗ ở của bà Đinh Thị Chuyến (73 tuổi) và ông Lê Văn Nhiều (78 tuổi) gần 20 năm nay. Mọi sinh hoạt từ ngủ nghỉ, tắm rửa, nấu ăn… của họ đều diễn ra ở đó.
“Bả đi rồi, tôi không biết tính sao”
Nhận được thông tin từ bạn đọc, chúng tôi đã đến tìm hiểu sự việc.
Tại khu vực này, hai chiếc giường có chiều rộng khoảng 1 m được đặt dọc hành lang, trên tường có treo tấm bảng mừng thọ của UBND TP tặng cho cụ Lê Văn Nhiều. Xung quanh để xoong nồi, bát đĩa, chậu rửa, quạt máy và những vật dụng hằng ngày.
Đến khu này, hầu như ai cũng biết rõ hoàn cảnh ông Nhiều và bà Chuyến. Ông Nhiều kể: “Trước đây vợ chồng tôi có nhà bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng sau đó khu vực này giải tỏa để cải tạo kênh. Nhận được tiền bồi thường cùng với tiền tiết kiệm, vợ chồng tôi tính vay thêm mua nhà thì hai thằng con trai bị bệnh ngốn hết số tiền. Chạy chữa mãi nhưng cuối cùng chúng cũng qua đời. Đường cùng, tôi làm liều đến đây, may nhờ bà con ở chung cư thương tình chấp nhận cho ở. Bản thân tôi bệnh hen suyễn và phổi tắc nghẽn mạn tính, chỉ nằm một chỗ, bả lo hết. Trước đây bả bán quán ăn ở vỉa hè nhưng cũng bị bệnh hoài, không bán nổi nên chuyển sang nhặt ve chai, mỗi ngày kiếm mấy chục ngàn. Rồi bả còn dọn thùng rác ở chung cư kiếm thêm 400.000 đồng/tháng. Ăn Tết xong, tự nhiên bả ngất xỉu nằm trong bệnh viện, không biết sống chết sao. Tôi lo quá!”.
Ở nơi trú ngụ là hành lang chung cư suốt gần 20 năm nay, ông Nhiều xếp đồ để mang vào bệnh viện cho vợ. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Phường hỗ trợ nhiều năm nay
Trao đổi với chúng tôi, bà Ngô Hải Yến (Chủ tịch UBND phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) cho biết lúc trước ông Nhiều và bà Chuyến có nhà ở chung cư Nguyễn Đình Chiểu nhưng sau đó bán nhà đi nơi khác, một thời gian quay lại chung cư sinh sống. Lúc về lại nhà đã bán, ông bà sống ở hành lang, ban quản trị chung cư và người dân thương tình cho ở.
Lúc mới về sinh sống, thấy ông bà khó khăn nên phường đưa vào diện hộ nghèo để được hưởng các chế độ chăm lo theo quy định. Ngoài ra, khu phố và Mặt trận Tổ quốc phường hằng tháng hỗ trợ gạo và 200.000 đồng.
Khoảng thời gian trước bà bán bún bò, thu nhập cũng ổn định nên năm vừa rồi phường đã đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, chuyển lên cận nghèo. Hai ông bà có con nhưng những người con cũng khó khăn nên không đưa ông bà về nuôi dưỡng.
Vừa qua, một số người phản ánh với phường về tình trạng ông bà nhặt ve chai mang về để, làm mất vẻ mỹ quan, gây ảnh hưởng đến cư dân. Phường đã đến gặp và vận động ông bà chuyển đi nơi khác hoặc để phường làm thủ tục đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội nhưng ông bà không đồng ý vì quen với cuộc sống ở đây.
“Mới đây bà bị đột quỵ và đang nằm cấp cứu trong bệnh viện. Được tin, phường đã hỗ trợ, đồng thời đề xuất quận hỗ trợ thêm tất cả được hơn 7 triệu đồng để chữa bệnh cho bà. Tuy nhiên, theo các bác sĩ tiên lượng thì tình trạng sức khỏe của bà rất xấu, có thể không qua khỏi. Vì thế phường sẽ chờ một thời gian xem tình hình sức khỏe của bà như thế nào rồi sẽ tính phương án tiếp theo. Nếu trường hợp bà không qua khỏi thì sau khi lo hậu sự cho bà xong, phường sẽ làm việc với người con gái của hai ông bà và đề nghị họ đón ông về nuôi vì hiện nay ông không thể tự chăm sóc cho bản thân. Nếu người con không có điều kiện thì phường sẽ làm thủ tục chuyển ông vào trung tâm bảo trợ” - bà Yến chia sẻ.
Muốn nuôi cha mẹ nhưng không có điều kiện Nhìn hoàn cảnh của cha mẹ như vậy tôi cũng đau lòng lắm nhưng không thể giúp được. Hiện tại tôi vẫn chưa có nhà riêng mà phải sống ở nhà chồng. Phần vì nhà nhỏ lại ở đông người, phần vì gia đình chồng chưa mở lời nên tôi cũng không dám đón cha về ở chung. Hiện tại tôi nghỉ việc, ra vào bệnh viện chăm cho mẹ, còn sau này như thế nào từ từ rồi tính. Chị ĐINH THỊ HÀ VY, con của ông Nhiều và bà Chuyến |