Đến gần Khoa cấp cứu - hồi sức tích cực chống độc của BV Tâm thần trung ương 2 (Đồng Nai) PV đã nghe những tiếng la hét kéo dài.
Các điều dưỡng đang cố gắng cho một bệnh nhân tâm thần uống thuốc khi người này không chịu hợp tác. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Năm điều dưỡng toát mồ hôi với một bệnh nhân
Bước vào khoa, PV thấy một cô gái trẻ với khuôn mặt thất thần, ánh mắt vô hồn đang gào thét, giãy giụa trên giường bệnh. Trong cơn kích động, cô xô té và đạp ngã bất cứ ai ở gần. Để kiềm chế bệnh nhân, năm nữ điều dưỡng ra sức giữ tay chân cô gái để một điều dưỡng khác cho uống thuốc. Lát sau, khi bệnh nhân nằm yên, mọi người mới thở phào quẹt mồ hôi trán.
“Cực nhất là khi bệnh nhân lên cơn kích động, chúng tôi phải năn nỉ, dỗ dành họ uống thuốc. Không được thì phải giữ chặt tay chân rồi cho thuốc vào miệng. Nếu họ phun thuốc ra ngoài, chúng tôi phải xin ý kiến bác sĩ đặt sonde dạ dày rồi đổ thuốc” - điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thắm (Khoa cấp cứu - hồi sức tích cực chống độc) chia sẻ.
Điều dưỡng Mai Văn Huân đang trò chuyện thân mật với bệnh nhân tâm thần. |
Gần đó, điều dưỡng Mai Văn Huân (Khoa động kinh) đang trò chuyện thân mật với các bệnh nhân, thỉnh thoảng anh vỗ vai, bắt tay và cười lớn với họ. Tranh thủ chút thời gian ngắn ngủi, anh chia sẻ ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh nhân còn được phục hồi chức năng tâm thần để dần phục hồi trí nhớ, tự phục vụ bản thân, quên đi mặc cảm đang mang bệnh…
“Bình thường họ vui và hiền lắm. Nhưng khi lên cơn kích động, họ sẽ đánh bất kỳ ai, sử dụng bất cứ đồ vật làm hung khí. Không ít lần khi đang vui chơi, trò chuyện hoặc cho bệnh nhân ăn cơm, các điều dưỡng bất chợt bị họ phang ghế nhựa, gõ đầu bằng vá múc cơm. Bởi vậy, mỗi khi gần bệnh nhân, chúng tôi luôn trong trạng thái phòng thân để kịp xử lý các tình huống bất ngờ” - anh Huân cười.
“Nhiều lần bệnh nhân lên cơn kích động trong đêm, chúng tôi phải thức trắng xử lý, mệt nhoài...”
“Tôi khóc không phải vì đau!”
Tròm trèm 20 năm chăm sóc bệnh nhân tâm thần, trên người chị Thắm gần như lúc nào cũng có vết bầm do bị cào, đánh... Ngày làm việc đầu tiên, chị bị một bệnh nhân nam đạp chúi nhủi khi cố giữ chặt chân người này. Qua ngày thứ hai, một bệnh nhân nữ lao tới giật tóc khi chị đang cho người bệnh khác uống thuốc.
Chị Thắm tâm sự: “Các điều dưỡng ở đây đều bị như vậy. Mà lạ lắm, mỗi khi bệnh nhân đánh tôi lại khóc dù không đau. Khóc bởi thương họ chẳng may mắc căn bệnh ai cũng kỳ thị, phải sống trong hoang tưởng, không biết mình là ai và luôn đánh người vô cớ. Mặc dù có công việc khác tốt hơn, thu nhập cao hơn nhưng tôi vẫn ở lại chăm sóc bệnh nhân bằng hai chữ tình thương”.
Với anh Huân, dù công việc luôn đối diện nguy hiểm nhưng anh và đồng nghiệp hằng ngày vẫn chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, từ vệ sinh, ăn uống tới uống thuốc, nghỉ ngơi. Khi trực đêm, các điều dưỡng còn phải kiểm tra giấc ngủ của các bệnh nhân. “Nhiều lần bệnh nhân lên cơn kích động trong đêm, chúng tôi phải thức trắng xử lý, mệt nhoài. Tới sáng mới tranh thủ chợp mắt một chút rồi tiếp tục công việc trong ngày” - anh Huân chia sẻ.
Người bệnh tâm thần đáng thương lắm, không ít người bị gia đình ruồng bỏ, xã hội xa lánh. Họ cần được yêu thương, giúp đỡ, nên một khi cảm nhận được tình thương và bao bọc người bệnh sẽ mau ổn định.
Điều dưỡng NGUYỄN THỊ THẮM
Chọn nghề phải dám dấn thân
Theo bà Đặng Thị Hợi, điều dưỡng trưởng Khoa cấp tính nam, khoa hiện có 14 nhân viên y tế nhưng phải chăm sóc đến 200 bệnh nhân. “Điều dưỡng của khoa đa phần là nữ nên mỗi khi bệnh nhân lên cơn kích động, điều dưỡng rất vất vả. Bệnh nhân nam khi kích động rất dữ, 4-5 nữ điều dưỡng khó mà cố định được họ để đưa vào phòng riêng, thường phải nhờ các bệnh nhân nam khác hỗ trợ” - điều dưỡng Hợi cho biết.
Bệnh nhân tâm thần khi mắc các bệnh gan, thận, tim mạch, tiêu hóa… sẽ được chuyển tới BV đa khoa để điều trị. Lúc này, điều dưỡng phải đi theo. “Điều này khiến điều dưỡng tại khoa đã ít còn bị thiếu hụt thêm, mọi người vẫn phải choàng gánh cho nhau, rất vất vả” - điều dưỡng Hợi chia sẻ.
Trước khi giữ chức phụ trách Phòng điều dưỡng BV Tâm thần trung ương 2, chị Vũ Thị Thanh Thủy (40 tuổi) có nhiều năm trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tâm thần.
“Chăm sóc người bệnh thông thường đã cực, chăm sóc người bệnh tâm thần vất vả hơn nhiều, nhất là dọn vệ sinh và nơi ngủ nghỉ của họ. Đó là chưa kể phải luôn đối diện hiểm nguy khi bệnh nhân lên cơn kích động, quậy phá. Có thể nói, khi chọn công việc này là phải dám dấn thân” - chị Thủy nói.
Cũng theo chị Thủy, trước đây BV có một nam điều dưỡng bị mất trí nhớ sau thời gian chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Tâm thần không lây nhưng có lẽ do điều dưỡng đó sẵn mầm bệnh trong người, lại thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần nên mầm bệnh có môi trường thuận lợi phát triển. Hiện điều dưỡng này đã rời BV và đây được xem là trường hợp đáng thương, cũng rất đáng buồn.•
BV Tâm thần trung ương 2 hiện có hơn 250 điều dưỡng đang chăm sóc cho gần 950 bệnh nhân tâm thần. Trong đó, nhiều bệnh nhân không có gia đình hoặc bị người nhà chối bỏ, cụ thể là BV đang chăm sóc 40 bệnh nhân vô gia cư (có người được chăm sóc từ năm 1971 tới nay) và 60 bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi, không đón về sau khi điều trị ổn định.
BS VÕ THÀNH ĐÔNG, Giám đốc BV Tâm thần trung ương 2