Gắn trinh sát với điều tra là chưa ổn

Cụ thể là không tách bạch được chức năng điều tra theo tố tụng với chức năng trinh sát, giữa điều tra theo tố tụng với chức năng xử lý vi phạm hành chính. “Điều này dễ dẫn đến việc thực hiện lẫn lộn các chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ, ngoài ra còn có thể dẫn đến việc điều tra, xử lý vụ việc một cách khép kín, thiếu khách quan” - ông Ngưu nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng lo ngại: “Hiểu thế nào là gắn trinh sát với điều tra? Có phải hiện nay một đơn vị vừa làm phòng ngừa, vừa xử lý hành chính, vừa làm tố tụng không? Nếu như thế thì không ổn. Một người vừa có quyền xử lý hành chính vừa có quyền xử lý hình sự thì thực tế có thể có lạm dụng hành chính hóa hoặc hình sự hóa”.

“Nhiều anh em công an nói với chúng tôi là nếu xây dựng mô hình vừa tiến hành tố tụng, vừa trinh sát có nhiều bất ổn. Nhiều đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ hỏi nếu theo mô hình vậy thì trong CQĐT có đơn vị trinh sát không, đơn vị trinh sát được điều chỉnh bởi luật nào? Luật Công an nhân dân hay luật nào cũng phải nói rõ chứ! Chả có luật nào cả, đó là chỗ hở sườn” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận xét.

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cho rằng mô hình tổ chức CQĐT hiện nay chưa phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp: Nếu mô hình kết cấu của ngành tòa án, VKS được xây dựng theo hướng trên nhỏ, giữa trung bình, còn chủ yếu là cấp cơ sở thì điều tra đang có kết cấu ngược lại là CQĐT trên Bộ Công an “rất to”.

“Cơ cấu tổ chức phải tương ứng với thẩm quyền. Sau khi thẩm quyền xét xử sơ-chung thẩm của TAND Tối cao không còn thì theo chúng tôi, CQĐT cấp trung ương phải giảm xuống. Nhưng bây giờ vẫn còn hơn 1.000 cán bộ và gần 400 điều tra viên thì không tương xứng với số lượng án. Cơ cấu này không hợp lý” - bà Lê Thị Nga nói.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm