Tin vào giấy tờ tùy thân gửi qua tin nhắn của 3 nhân viên 'nhí', chủ quán karaoke lĩnh án 13 năm tù

(PLO)- Do tin tưởng vào giấy tờ tùy thân của 3 nhân viên 'nhí’ gửi qua zalo là thật, một chủ quán ­­­­karaoke ở Vĩnh Phúc cùng đồng phạm phải lĩnh án mỗi người­­­ 13 năm tù.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-5, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Nhung (trú tại tỉnh Tuyên Quang); Trần Văn Cẩn, Trần Trường Oanh và Nguyễn Văn Thọ, cùng trú ở Vĩnh Phúc. Họ bị tuyên phạt mỗi người 13 năm tù về tội mua bán người dưới 16 tuổi.

Theo cáo buộc, do nắm được nhu cầu cần nhân viên thuê phục vụ rót bia, bấm bài của các quán karaoke nên Nguyễn Thị Nhung đã thuê nhà để làm cơ sở chăm nuôi bao ăn, ở cho nhân viên nữ để phục vụ các quán hát nhằm kiếm lời.

Sau đó, Nhung thuê Nguyễn Văn Thọ là người tìm tuyển nhân viên nữ. Ngày 8-7-2022, Thọ tiếp nhận 2 cháu gái là NTML (SN 2009) và NTB (SN 2008, cùng trú tại Bắc Ninh) với giá 13 triệu đồng từ một người tên Quỳnh ở Khu công nghiệp Quế Võ 1 (tỉnh Bắc Ninh) rồi đưa về TP Tuyên Quang giao cho Nhung quản lý để làm nhân viên.

karaoke.jpg
HĐXX tuyên án đối với các bị cáo. Ảnh PHI HÙNG

Do có nhu cầu tuyển dụng, Trần Văn Cẩn là chủ quán karaoke DiJi ở xã Sơn Lôi ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã nhờ Trần Trường Oanh tìm nhân viên nữ.

Ngày 2-8-2022, Oanh đã đến cơ sở của Nhung ở TP Tuyên Quang trao đổi để tiếp nhận 3 bé NTML và NTB và BTTH.

Trong quá trình này, bị cáo Cẩn được gửi ảnh chụp màn hình chứng minh thư nhân dân và căn cước công dân của 3 cháu gái đều trên 16 tuổi. Cẩn đồng ý và đã chuyển 68 triệu đồng trả cho Oanh để đón 3 cháu này về, đồng thời trả 3 triệu đồng tiền công cho Oanh.

Khi về tới quán karaoke DiJi, Cẩn báo cho 3 bé gái đã phải trả nợ cho 3 người tổng số tiền 74 triệu đồng rồi yêu cầu cả 3 nhận nợ.

Theo đó, cháu L nhận nợ 37 triệu đồng, B nhận nợ 22 triệu đồng và H nhận nợ 15 triệu đồng. Hơn 1 tuần sau, B xin đi làm chỗ khác và được 2 người chưa xác định danh tính đến trả hộ 25,6 triệu đồng rồi đón đi.

Ngày 15-8-2022, gia đình H đến thanh toán 15,5 triệu đồng đón về nhà, còn L tiếp tục ở lại làm.

Cùng ngày, bố bé H đến Công an huyện Bình Xuyên trình báo về việc L bị lừa bán và bị giữ làm nhân viên tại quán của Cẩn. Cơ quan chức năng xác định, thời điểm Oanh đến tiếp nhận 3 bé thì cháu L mới 12 tuổi, cháu B mới 14 tuổi và cháu H mới được 13 tuổi.

Tại toà, các bị cáo Cẩn và Oanh không thừa nhận phạm tội danh cáo trạng đã cáo buộc.

Bị cáo Cẩn cho rằng bị cáo không mua các bị hại từ bị cáo Nhung, mục đích chuyển tiền Oanh là để bị cáo này trả nợ hộ cho các bị hại.

Ngoài ra, bị cáo đồng ý cho 3 bị hại làm việc do Chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân các bị hại gửi qua zalo đều trên 16 tuổi. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, tại thời điểm tiếp nhận, 3 bị hại mới từ 12 đến 14 tuổi.

Theo tòa án, bị cáo Cẩn đã không xác minh kỹ thông tin, ngày, tháng, năm sinh thực tế của các bị hại mà tin tưởng vào chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân là hoàn toàn do lỗi của bị cáo.

Về việc chuyển tiền các bị cáo cho rằng đây là giao dịch dân sự, HĐXX khẳng định các lời khai của bị cáo, lời khai các bên liên quan khẳng định việc bị cáo Cẩn đã vi phạm như cáo trạng đã quy kết. Qua đó, Oanh là người giúp sức cho bị cáo Cẩn.

Bản án sơ thẩm đánh giá, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến nhân phẩm của con người nói chung và trẻ em nói riêng được pháp luật bảo vệ; gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân. Tuy nhiên, các bị hại cũng có 1 phần lỗi vì đã cung cấp căn cước công dân, chứng minh nhân dân giả làm các bị cáo lầm tưởng đã đủ tuổi lao động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm