Nắm bắt thị hiếu tiêu dùng thế giới, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập sân chơi mới, đầu tư vùng nguyên liệu hữu cơ (organic) rộng lớn để đáp ứng các đơn hàng ngày càng gia tăng.
Lên sàn thương mại lớn nhất thế giới
Một cái tên khá mới trong lĩnh vực nông nghiệp là PAN Group đã có kế hoạch lớn cho việc xuất khẩu sản phẩm nông sản theo tiêu chuẩn hữu cơ bằng việc xây dựng vùng trồng điều rộng hơn 500 ha. Đáng chú ý sản phẩm nhân điều organic xuất khẩu giá bán cao hơn nhiều sản phẩm nhân điều bình thường: Giá nhân điều hữu cơ hiện trên 13 USD/kg trong khi nhân điều thông thường chỉ khoảng 9 USD/kg.
“Nhân điều organic được truy xuất nguồn gốc nguyên liệu được tập đoàn kết nối đưa thẳng lên kệ siêu thị tại Mỹ, Hong Kong… Điều này không chỉ khẳng định thương hiệu nông sản sạch của Việt Nam trên thị trường thế giới mà đây cũng chính là hướng đi bền vững của nông nghiệp” - đại diện PAN chia sẻ.
Tương tự, một số công ty bước đầu thành công với dừa hữu cơ, đặc biệt giá trị của loại nước dừa này tăng tới gần 300 lần so với trước đây nhờ đạt chuẩn organic. Bà Châu Kim Yến, Tổng Giám đốc Công ty Betrimex, thông tin: “Hiện sản phẩm này đã xuất khẩu ra hơn 40 thị trường nước ngoài, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản... Không chỉ vậy, sản phẩm dừa hữu cơ Việt Nam hiện đã lên kệ Alibaba, một trong những sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất thế giới”.
Tổng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ của nước ta hiện nay trên 76.000 ha. Trong ảnh: Khách hàng mua sản phẩm nước dừa organic. Ảnh: QUANG HUY
Các sản phẩm gạo hữu cơ như gạo lức tím than, gạo thơm Việt Đài… cũng đang được các nhà nhập khẩu từ Úc và Nhật đặt mua khá nhiều. Một trong những ông lớn của ngành gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: Giá gạo organic xuất khẩu cao hơn nhiều gạo thường, thậm chí gấp đôi hơn cả gạo được trồng theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P. Ví dụ gạo tím than hữu cơ có giá xuất khẩu tới 1.500 USD/tấn trong khi gạo tím than thường chỉ 800 USD/tấn.
Ông Bình chia sẻ: “Nhu cầu tiêu thụ gạo hữu cơ cao nhưng chúng tôi không dám ký hợp đồng lớn mà chỉ ký từng tháng tùy vào khả năng đáp ứng nguồn hàng cho đối tác. Một số mặt hàng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự”.
Được cấp giấy thông hành xuất ngoại
Sản phẩm hữu cơ về cơ bản được hiểu là không có phân bón hóa học, không có thuốc trừ sâu… nên năng suất thấp, giá bán vì thế sẽ bị đội lên cao hơn sản phẩm sản xuất theo phương thức thông thường.
Đơn cử đại gia ngành sữa Việt Nam là Vinamilk đang phát triển dòng sản phẩm mới là sữa hữu cơ. Vì tiêu chuẩn cho một sản phẩm hữu cơ khá khắt khe, tốn kém chi phí nên giá sữa hữu cơ thường đắt gấp 2-3 lần với sữa thông thường nhưng bù lại sản phẩm này bán khá chạy. Chính vì vậy đại diện Vinamilk cho hay trong năm nay sẽ tiếp tục mở rộng trang trại bò sữa organic để gia tăng sản lượng sữa hữu cơ, đồng thời hợp tác với đối tác Nhật xây dựng trang trại bò tại Lào.
Đáng chú ý hiện nay đã có nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được các tổ chức quốc tế công nhận là sản phẩm hữu cơ. Tiêu biểu như đến cuối năm ngoái đã có 21 giấy chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ được cấp cho sản phẩm dừa tại Việt Nam. Danh mục các mặt hàng dừa hữu cơ được công nhận rất đa dạng: Dừa tươi, nước dừa, cốt dừa, sữa dừa, dầu dừa, kem dừa, dừa nạo...
Nói thêm về vấn đề này, bà Châu Kim Yến, Tổng Giám đốc Công ty Betrimex, cho hay để đạt tiêu chuẩn vùng nguyên liệu hữu cơ, vườn dừa phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn canh tác hữu cơ như không sử dụng phân hóa học, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; không chăn thả gia súc, gia cầm trên vườn dừa và không sử dụng cầu cá trong vườn dừa. Thay vào đó, nguồn dinh dưỡng cho vườn dừa được sử dụng từ các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh.
Thị trường 100 tỉ USD Thống kê cho thấy trên thế giới hiện có khoảng 50 triệu ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ. Gần đây xu thế này phát triển khá nhanh, tạo nên thị trường nông sản hữu cơ với giá trị thương mại gần 100 tỉ USD. Tại Việt Nam, hiện nay tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 30% dân số và theo tính toán tầng lớp trung lưu đến năm 2030 sẽ tăng lên con số khoảng 50%. Đây là thị trường rất quan trọng cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chứ không hoàn toàn chỉ hướng tới xuất khẩu. |
Góp phần xây dựng thương hiệu hàng Việt sạch
Một số công ty khẳng định Việt Nam có nền tảng về nông nghiệp vì vậy có đủ khả năng làm được thực phẩm organic với giá tốt để cạnh tranh ngay tại sân nhà và xuất khẩu. “Chúng ta có thể cạnh tranh ở lĩnh vực này chứ không chỉ là nhà phân phối các mặt hàng organic nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay gừng, nghệ, cà ri, lá nguyệt quế cho đến quả trứng… đều phải nhập khẩu trong khi đây là những mặt hàng mà Việt Nam có dư sức để sản xuất” - đại diện một công ty tự tin nói.
Tán đồng với quan điểm này, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, nhận định Việt Nam có lợi thế lớn trong phát triển nông nghiệp organic vì là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trong khi thị trường sản phẩm này trên thế giới ngày càng mở rộng.
“Phát triển sản phẩm hữu cơ xuất khẩu giúp hàng Việt xây dựng được hình ảnh, thương hiệu sạch trên trường quốc tế và xóa dần quan niệm hàng Việt giá rẻ, chất lượng thấp. Tuy vậy trước hết tiêu thụ được trong nước, cạnh tranh với sản phẩm organic nhập từ nước ngoài, sau đó đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường quốc tế” - ông Xuân nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định sản xuất hữu cơ là một phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường và góp phần quan trọng để phục hồi, duy trì, bảo dưỡng hệ sinh thái tự nhiên; bảo vệ sức khỏe con người. “Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam sẽ đón đầu xu hướng đó” - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện có 33/63 tỉnh, thành đã triển khai sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ với gần 60 cơ sở sản xuất. Tổng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ là trên 76.000 ha, đóng góp trực tiếp cho xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Phần nhiều những công ty được chứng nhận hữu cơ tập trung ở các tỉnh, thành phía Nam như TP.HCM, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Bến Tre… |