Bài viết Bộ trưởng GTVT: Xem xét thu bằng lái vĩnh viễn tài xế gây tai nạn trên số báo hôm nay (11-1) đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của bạn đọc.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân tai nạn giao thông có nhiều lý do nhưng rõ ràng là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận tài xế chưa tốt. Cụ thể, tài xế không chấp hành hiệu lệnh, uống rượu bia, sử dụng ma túy… Nên sắp tới bộ trưởng sẽ chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ nghiên cứu, đưa ra quy định mới có tính ràng buộc trách nhiệm chủ doanh nghiệp với tài xế. Đối với tài xế để xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng có thể xem xét thu hồi bằng lái vĩnh viễn.
Theo các bạn MinhNguyen, TanThanh, TrongKha... tất cả đều đồng tình với ý kiến của bộ trưởng về việc thu bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế gây tai nạn. Đã có rất nhiều tai nạn thương tâm xảy ra cũng vì tính thiếu ý thức chấp hành luật pháp của tài xế. Vì lợi nhuận mà các chủ xe, tài xế bất chấp để đạt được mục đích mà coi thường tính mạng người khác.
Giờ ra đường thấy xe ben, xe container là đảm bảo ai cũng phải sợ mà né xa. Câu khẩu hiệu tuyên truyền thường xuyên trên sóng radio mà lái xe ô tô nào cũng nghe: "Phía trước tay lái là sự sống" nhưng không biết có bao nhiêu tài xế thấu hiểu. Nắm vô lăng mà say rượu, ngáo đá rồi chạy như điên thì gây tai nạn thảm khốc là điều không tránh khỏi, là ý kiến của NamTuhuyt.
Bạn Trịnh Hải mong muốn đề xuất của bộ trưởng sẽ nhanh chóng được triển khai thành những quy định cụ thể. Vì thu hồi bằng lái vĩnh viễn cũng như thu hồi “giấy phép” kiếm cơm thì tài xế nào cũng phải sợ thôi. Chứ không như bây giờ, gây tai nạn rồi chỉ phạt tù, đền tiền, sau đó tài xế lại được tiếp tục nắm tay lái.
Bạn Minh Xuân đặt vấn đề, Bộ trưởng GTVT cũng thừa nhận là cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu kém, nếu kéo dài tình trạng trên đường sẽ hư hỏng nặng, tai nạn diễn biến phức tạp… Bộ trưởng đã thừa nhận như vậy thì cũng phải xem lại trách nhiệm của các đơn vị quản lý như thế nào, đường xá làm chưa nghiệm thu đã bong tróc hư hỏng, ổ gà, ổ voi thì nói sao không có tai nạn.
Để hạn chế tai nạn giao thông với các lỗi do tài xế gây ra, bạn Minh Toàn, Phước Thuận đề xuất, tại sao phi công quản lý, đếm được số giờ bay mà tài xế thì lại không quản lý được số giờ chạy? Nên quản lý giờ điều khiển xe của tài xế, để CSGT có thể căn cứ vào đó để kiểm tra giờ lái liên tục có vi phạm luật hay không. Cơ quan cấp giấy phép lái xe cũng có cơ sở để xét hồ sơ nâng hạng giấy phép lái xe cho tài xế một cách chính xác. Ví dụ như lái xe hạng B1 phải có giờ chạy bao lâu thì mới được xét thi lên hạn B2, lái xe hạng D bao nhiêu ngàn giờ thì mới được xét thi lên hạng E…Thiết bị giám sát hành trình bắt buộc phải gắn trên các phương tiện đường dài như xe tải, xe khách, container… để giám sát mọi dữ liệu về các chỉ số khi phương tiện vận hành, thông tin tài xế..., có như vậy tài xế mới không vi phạm, đảm bảo sức khỏe, thời gian nghỉ ngơi của tài xế.