Đó là thực trạng được chia sẻ tại buổi ký kết ghi nhớ hợp tác thực hiện đề án mạng lưới điều phối liên viện giữa ba bệnh viện gồm BV Chợ Rẫy, Nhi đồng 2 và BV Thống Nhất về hiến và ghép thận nhân đạo diễn ra tối 16-10.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho hay trong bối cảnh nhu cầu ghép tạng ngày càng tăng cao thì sự liên kết các đơn vị ghép tạng lần này tại TP.HCM sẽ giúp điều phối hiệu quả nguồn tạng hiến và giúp xây dựng hệ thống ghép tạng cho các BV trên địa bàn, trong đó ưu tiên nguồn tạng hiến cho trẻ em.
Đại diện 3 BV ký kết thực hiện đề án điều phối ghép thận nhân đạo. Ảnh: HL
Đồng quan điểm với mô hình hợp tác này, GS-TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, cho rằng hiện Việt Nam có 18 trung tâm ghép tạng, tuy nhiên con số này vẫn khiêm tốn và cần được nhân rộng.
“Các bệnh viện khi cho bệnh nhân chết não xin về phải báo lại cho trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia để liên hệ với gia đình bệnh nhân. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ mời các chuyên gia hồi sức chết não... đề xuất có chương trình hỗ trợ cho gia đình người chết não” - GS-TS Sơn cho hay định hướng sắp tới.
Là một trong những bác sĩ tham gia êkíp ghép thận cho trẻ em lần đầu tiên tại BV Nhi đồng 2, GS Trần Đông A, cố vấn ghép tạng của BV, xúc động nhớ lại năm 2004 BV Nhi đồng 2 bắt đầu thực hiện ghép thận trẻ em. Bé gái được ghép thận giờ vẫn sống khỏe mạnh và tiếp tục được theo dõi tại BV Chợ Rẫy.
Theo GS Đông A, BV Nhi đồng 2 hình thành Trung tâm ghép tạng cho trẻ em từ năm 2004. “Nhưng trải qua 14 năm, BV chỉ thực hiện được 16 ca ghép thận và 12 ca ghép gan dù số lượng trẻ cần được ghép tạng lớn hơn rất nhiều. Ghép tạng trẻ em đang bị “bỏ quên” - BS Đông A bày tỏ.
GS Trần Đông A chia sẻ khó khăn thiếu nguồn tạng cho trẻ em. Ảnh: HL
Lý giải cho điều này GS Đông A cho rằng do thiếu nguồn tạng ghép và đồng ý với Luật Hiến, ghép tạng không cho người dưới 18 tuổi hiến tạng để đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, tuy nhiên hơi cứng nhắc khi không đề cập trẻ chết não có nguyện vọng hiến tạng như trường hợp bé Hải An bảy tuổi ở Hà Nội. Cuối cùng, bé chỉ được hiến được giác mạc. Trong khi đó tạng của trẻ em sẽ dễ tương thích với nhau hơn là lấy một phần gan hay một quả thận của người lớn ghép cho trẻ.
BS Đông A kể ca ghép thận đầu tiên là từ một người mẹ cho con gái 12 tuổi. “Tôi và một bác sĩ phải thức trắng bốn đêm liền để ngồi theo dõi bé gái. Do ghép thận từ người lớn nên bé gái đi tiểu cũng nhiều hơn bình thường gấp nhiều lần" - BS Đông A dẫn chứng ghép tạng từ người lớn sang trẻ em rất khó khăn và rủi ro.
“Vừa qua, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) chuẩn bị ghép tạng nguồn từ người bố cho con suy gan giai đoạn cuối. Éo le thay, phút cuối người nhà xin hoãn vì mẹ bệnh nhi có bầu, bố lấy gan ghép cho con bắt buộc phải không được làm việc gì nặng mất sáu tháng thì nhà không còn người chăm sóc. Cuối cùng, ca ghép gan cũng đành hoãn lại vì không có nguồn tạng từ người cho chết não” - GS Trần Đông A kể và cho hay không dám nghĩ đến số phận của bệnh nhi.