Trước đó, bệnh nhân bị nổi hạch vùng cổ. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện địa phương nhưng không giảm, bệnh nhân đã đến khám tại BV ĐH Y Dược TP.HCM và BV Chợ Rẫy. Cũng trong thời gian này, ngoài hạch vùng cổ bệnh nhân còn bị sốt, sụt cân, khó thở và đã có hạch toàn thân. Các hạch to xuất hiện nhiều ở cổ, nách, bẹn với kích thước khoảng 3 x 4 cm; hạch di động và không đau. Qua khám lâm sàng và các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư hạch (một dạng của ung thư máu)
Bệnh nhân đã được hóa trị tám đợt và sau đó thực hiện ghép tế bào gốc tự thân. Qua hơn một tháng được ghép, bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe và trở về đời sống bình thường. Điều đặc biệt là bệnh nhân được ghép tế bào gốc từ phương pháp trữ đông mới với chi phí giảm hơn 50% so với phương pháp cũ.
Theo TS-BS Lê Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu, BV Chợ Rẫy, trong lĩnh vực y tế các kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân, ngoại lai, tế bào gốc cuống rốn, tủy xương đã điều trị nhiều bệnh lý ác tính của hệ tạo máu, ung thư hạch, đa u tủy, ung thư tạng đặc.
Bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc theo công nghệ Nhật Bản.
Ngoài ra, tế bào gốc còn được ứng dụng để điều trị thoái hóa khớp, nhồi máu cơ tim, làm đẹp... Công nghệ tế bào gốc sẽ còn mang lại nhiều thành quả, giúp con người chống lại các loại bệnh hiểm nghèo mà hiện nay khoa học chưa tìm ra phương pháp điều trị.
Tại Việt Nam, sau ca ghép tế bào gốc đầu tiên vào năm 1995, đến nay cả nước đã có 10 bệnh viện triển khai kỹ thuật này với hơn 500 bệnh nhân được thực hiện bằng phương pháp ghép tế bào gốc tự thân hoặc tế bào gốc đồng loại từ nguồn tủy xương, máu ngoại vi và máu cuống rốn. Riêng khoa Huyết học BV Chợ Rẫy, kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đã được triển khai từ năm 2013, trên 34 ca bệnh đa u tủy và ung thư hạch. Phương pháp ghép trên đều sử dụng nguồn tế bào gốc bảo quản ở nhiệt độ -1.960C.