Ghi âm, ghi hình CSGT: Cho nhưng cần hạn chế

Bộ Công an vừa đăng tải dự thảo lần hai thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, thay thế Thông tư 54/2009. Trong dự thảo lần này, hình thức giám sát thông qua “quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân (CAND) khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông” đã không còn. Dưới đây là một số ý kiến chúng tôi tiếp nhận được.

Chỉ nên cho những người liên quan được ghi hình

Là một tài xế ô tô du lịch, khi tiếp xúc với CSGT, tôi và các đồng nghiệp vẫn có thói quen dùng điện thoại để ghi âm hoặc ghi hình các CSGT đang làm việc. Đây như một cách chúng tôi tự bảo vệ quyền lợi cho mình. Và thực tế, CSGT vẫn cho phép tài xế được ghi âm, ghi hình khi họ đang thực thi công vụ.

Điều này có lợi cho cả người vi phạm và cả lực lượng CSGT. Những đoạn ghi âm, ghi hình sẽ là bằng chứng khách quan nhất chứng minh lỗi vi phạm của các bên, thái độ, sự hợp tác giữa người dân và lực lượng chức năng. Như ông bà ta thường nói “vàng thật không sợ lửa”, nếu CSGT đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật thì sợ gì ghi âm, ghi hình. Còn người dân, nếu họ thật sự bị oan thì chứng cứ được ghi lại sẽ giúp họ đòi lại quyền lợi. Ngược lại, nếu họ đã sai mà còn càn quấy thì chính họ đã tự mua dây buộc mình.

Thế nhưng thực tế có nhiều trường hợp những người không liên quan đến vụ việc vi phạm có những hành động quá khích, cản trở, thậm chí xúc phạm, khiêu khích lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ.

Mấy hôm nay, cánh tài xế chúng tôi rất băn khoăn không biết tới đây liệu có được phép ghi âm, ghi hình cán bộ, chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ hay không.

Theo tôi, ban soạn thảo cần đưa vào dự thảo thông tư quyền giám sát “quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ CAND khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông” như Thông tư 54 hiện hành.

Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn rằng những cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến vụ việc đang được lực lượng CSGT xử lý mới được quyền ghi âm, ghi hình. Thêm vào đó, việc ghi âm, ghi hình không nhằm mục đích cản trở, xúc phạm, khiêu khích đến lực lượng chức năng đang thi hành công vụ. Mặt khác, cũng cần đưa ra một chế tài cụ thể để xử phạt người vi phạm nhằm tạo tính răn đe.

VÕ THIỆN HIỀN

Nhiều ý kiến cho rằng nên cho phép những người liên quan được ghi âm, ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ. Ảnh: TUYẾN PHAN

Đừng lợi dụng ghi hình để đả kích CSGT

Thực tế có rất nhiều tình huống người dân móc điện thoại ra chĩa thẳng vào mặt CSGT và nói đang thực hiện quyền giám sát rồi có những lời lẽ, hành động đả kích lực lượng. Sau đó họ tung lên mạng xã hội, làm xấu đi hình ảnh của người thực thi công vụ. Trong khi đó thực tế không giống các clip trên mạng đã được cắt ghép.

Cũng có tình trạng một số người vi phạm bị CSGT thổi thì năn nỉ ỉ ôi để CSGT thông cảm và chỉ nhắc nhở rồi cho đi. Tuy nhiên, để gọi là “cảm ơn” sự thông cảm của CSGT thì người này lại cố tình cầm tiền nhét vào tay, vào túi CSGT, nói là “anh mua nước uống…”. Clip đưa lên mạng thì chỉ quay đến đoạn người này nhét tiền vào người CSGT nhưng CSGT có lấy hay trả lại thì clip lại không thể hiện. Dù thực tế CSGT sau đó cương quyết không lấy mà trả lại. Clip cắt ghép không đúng sự thật đã vô tình vu khống CSGT.

Trước những trường hợp như vậy, CSGT phải giải trình tới lui với cấp trên dù anh ta không làm gì sai cả, rất mệt mỏi, chẳng còn thời gian đâu để chuyên tâm làm việc.

Thậm chí có trường hợp khi CSGT đang xử lý vi phạm đối với người này thì một người khác ở đâu xồng xộc bước vào, đưa điện thoại ra đòi CSGT cho xem kế hoạch, chuyên đề kiểm tra, xử lý và bảo là đang giám sát CSGT. Người đó không hề liên quan đến sự việc.

Chúng tôi không sợ người dân giám sát lúc chúng tôi làm việc nhưng cứ cầm điện thoại quay mặt, rồi đọc tên, số hiệu, livestream lên mạng rồi nói những nội dung không đúng như thực tế diễn ra thì dễ làm sai lệch bản chất câu chuyện. Người đi đường sẽ hiếu kỳ, tụ lại thành đám đông. Lúc đó CSGT vào thế bị cô lập vì đa số người dân sẽ ủng hộ người quay phim, ác cảm với lực lượng.

Việc người dân giám sát CSGT là đúng, tôi cũng rất cần sự giám sát đó để biết anh em cấp dưới mình làm việc với dân như thế nào. Nhưng giám sát phải đúng mục đích chứ đừng lợi dụng để đả kích lực lượng.

Đội trưởng một đội CSGT trên địa bàn TP.HCM

Cần sự giải thích kịp thời

Dự thảo thông tư về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Bộ Công an đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Điều này xuất phát từ việc so với quy định hiện hành thì dự thảo bỏ đi một hình thức giám sát của người dân đối với lực lượng CAND, đó là “quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ CAND khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông”.

Việc xóa bỏ hình thức giám sát trên nhanh chóng khiến nhiều người cho rằng sẽ không còn được ghi âm, chụp ảnh hoặc quay phim lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ.

Từ trước tới nay, chưa có bất cứ văn bản nào quy định rõ ràng người dân có được quay phim, chụp ảnh CSGT hay không. Ngay chính trong lực lượng CSGT, có cán bộ ủng hộ việc này nhưng cũng có người còn băn khoăn vì e ngại sẽ bị lợi dụng vào mục đích xấu.

Điều 5 khoản 3 Luật CAND quy định: Hoạt động của CAND phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật; dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Như vậy, dù dự thảo thông tư của Bộ Công an không quy định rõ người dân có được quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT hay không nhưng cũng không cấm hành vi này. Theo lẽ thường, người dân có quyền được làm điều mà pháp luật không cấm để thực hiện quyền giám sát của mình.

Tuy nhiên, trước việc dự thảo thông tư loại bỏ một quyền giám sát của người dân và đã có những tranh luận trái chiều thì Bộ Công an cần kịp thời giải thích lý do vì sao loại bỏ để dư luận có cách hiểu đúng trong câu chuyện này.

TUYẾN PHAN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới