Giá chiếc camera 'nhảy múa' và bài học của cơ quan tố tụng

(PLO)- Vụ án được khởi tố căn cứ vào kết quả định giá, ba năm sau cũng từ kết quả định giá mà cơ quan điều tra đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, thừa nhận đã làm oan đối với ông Huỳnh Thanh Lam (phường 1, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hẳn bạn đọc còn nhớ vụ án “camera ngó qua hàng xóm” mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh rằng vấn đề định giá cần được xem xét kỹ lưỡng kẻo kết tội oan.

Ngày 26-9, Cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau đã đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Huỳnh Thanh Lam vì hành vi của ông không cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ông Huỳnh Thanh Lam và hiện trường vụ án camera ngó qua hàng xóm. Ảnh: TRẦN VŨ

Ông Huỳnh Thanh Lam và hiện trường vụ án camera ngó qua hàng xóm. Ảnh: TRẦN VŨ

Sẽ đòi bồi thường khoảng 2,5 tỉ đồng

“Tôi đang cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi gửi đơn yêu cầu bồi thường oan đến VKSND TP Cà Mau. Số tiền tôi yêu cầu bồi thường oan tạm tính khoảng 2,5 tỉ đồng” - ông Lam nói với PV Pháp Luật TP.HCM.

Vụ án này cơ quan điều tra (CQĐT) cũng từng nghi ngờ kết quả định giá nên đã yêu cầu định giá lại trước khi khởi tố vụ án. Tuy nhiên, sau đó ông Lam vẫn phải vướng vòng lao lý, mang thân phận bị can, bị cáo gần ba năm.

Theo nội dung vụ án, ông Lam và ông Tô Thiên Phong có lấn cấn về ranh đất nên ông Phong lắp hai camera trên tường giáp ranh, chĩa hướng qua đất của ông Lam. Sau vài lần yêu cầu ông Phong thay đổi hướng quan sát không thành, tháng 8-2019, ông Lam dùng cây gỗ chọt vào đổi hướng hai camera. Ông Phong bèn báo công an.

Đến ngày 8-12-2019, ông Lam bị khởi tố tội hủy hoại tài sản vì kết quả định giá cho thấy hai camera có giá trị là 2,2 triệu đồng.

Ông Lam nhiều lần khiếu nại, tự thu thập giá trị thực của hai camera rồi cung cấp những chứng cứ này cho cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, kết quả định giá sau đó còn tăng lên là 2,6 triệu đồng.

Ngày 6-1, TAND TP Cà Mau mở phiên tòa. Trước khi bước vào phần tranh luận, đại diện VKSND TP Cà Mau đã chủ động rút hồ sơ để làm rõ vấn đề giá trị thiệt hại tài sản.

Ngày 13-9, hội đồng định giá cho kết quả định giá lần thứ ba. Lúc này, giá trị tài sản bị thiệt hại trong vụ án chỉ còn 550.000 đồng mỗi camera, tính cả tiền thuế. Tức tổng giá trị thiệt hại tài sản dưới 2 triệu đồng.

Tự thu thập chứng cứ để bảo vệ mình

Ông Lam tự thu thập giá tại chính cửa hàng đã xuất hóa đơn cho ông Phong, mua đúng camera có cùng chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ thì được bán và xuất hóa đơn với giá 550.000 đồng/cái.

Ông Lam còn đối chiếu bảng giá camera đúng như hai camera vật chứng trong vụ án tại rất nhiều cửa hàng ở TP Cà Mau, trên các trang bán hàng online, đúng thời điểm ông Phong mua hai camera. Kết quả cho thấy không camera nào có giá cao hơn giá 550.000 đồng.

Đình chỉ là hệ quả tất yếu

Ông Trần Văn Hùng, Viện trưởng VKSND TP Cà Mau, cho biết đang làm báo cáo về toàn bộ diễn biến, nguyên nhân của vụ án oan này.

Bình luận về vụ án này, ThS Nguyễn Phương Thảo, giảng viên Khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết trong vụ án này giá trị thiệt hại của tài sản quyết định đến việc có cấu thành tội phạm, có hành vi phạm tội xảy ra hay không.

Ban đầu, CQĐT dựa vào kết luận định giá (2,2 triệu đồng) để làm căn cứ khởi tố vụ án. Tới thời điểm hiện tại, khi đã có kết luận định giá xác định giá trị thiệt hại dưới 2 triệu đồng thì đương nhiên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên việc đình chỉ vụ án là hệ quả tất yếu.

Chia sẻ thêm về vấn đề định giá trong tố tụng hình sự, ThS Thảo cũng cho biết đối với các vụ án mà giá trị thiệt hại quyết định đến cấu thành tội phạm thì khâu định giá có ý nghĩa rất quan trọng.

Để việc định giá hiệu quả thì vai trò kiểm sát của VKS về các thủ tục liên quan đến định giá tài sản theo luật định (biên bản định giá, thành phần hội đồng định giá, kết luận định giá…) phải chặt chẽ.

Ngoài ra, CQĐT trong việc yêu cầu định giá tài sản phải xác định và cung cấp đầy đủ các thông tin cần định giá cho hội đồng định giá có thẩm quyền. Về hội đồng định giá thì các thành viên phải có đủ chuyên môn để định giá các loại tài sản khác nhau. Có như vậy mới đảm bảo được có kết luận định giá đúng, chính xác, tránh được việc bỏ lọt tội phạm hoặc kết án oan người vô tội.•

Bài học thấm thía của cơ quan tố tụng

Chủ đất gắn camera để tự bảo vệ tài sản nhưng ống kính lại chĩa sang “bảo vệ” tài sản cho ông Lam. Ông Lam lấy cây chọt camera để bảo vệ sự riêng tư của mình. Giữa thời buổi mà “không sợ trời biết, đất biết, chỉ sợ camera biết” thì việc lắp camera để bảo vệ tài sản của mình là một biện pháp cần thiết.

Hình ảnh từ camera không chỉ giúp chủ nhà phần nào bảo vệ tài sản của mình, chứng minh sự vô can của những người không liên quan, mà còn là chứng cứ buộc tội đanh thép kẻ có hành vi phạm pháp. Về phía cơ quan tố tụng, camera giúp phá án nhanh, buộc tội vững chắc.

Thế nhưng việc định giá chiếc camera thì lại là nguồn cơn của vụ án oan này. Khi mà giá trị tài sản là căn cứ để xác định có hay không vụ án hình sự thì việc định giá tài sản là hết sức quan trọng, quyết định sự thành bại của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như tránh việc làm oan người vô tội.

Vấn đề dễ thấy nhất là giá trị chiếc camera bị hư hỏng không khó để ước chừng!

Với hình ảnh, thương hiệu camera cầm trên tay, tự mỗi người với kiến thức, hiểu biết nhất định đều có thể nhận định được; trường hợp không thể biết thì cứ hỏi “chị Google”.

Chẳng hiểu sao, giá trị camera đã nhảy múa qua nhiều lần định giá. Lần sau cùng, giá trị thực của nó chỉ còn chưa tới một nửa so với con số được định giá bởi một hội đồng.

Kết quả định giá đã vượt qua con mắt nghiệp vụ của CQĐT và VKS. Và một vụ án oan đã xảy ra!

Chỉ đến khi xét hỏi công khai tại tòa thì VKS mới chợt nhận ra vấn đề, xin rút hồ sơ để định giá lại. Đây có lẽ là một bài học thấm thía không chỉ riêng với cơ quan tố tụng tỉnh Cà Mau.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm