​Gia đình bà mẹ Việt Nam anh hùng có 7 bác sĩ

Xây dựng gia đình ở tuổi đôi mươi, suốt gần 60 năm đôi vợ chồng Còn - Ngon đã đi qua bao đau thương mất mát, gian khổ, vinh quang.

Ba mẹ Nguyễn Văn Còn - Nguyễn Thị Ngon - Ảnh: T.H.
Ba mẹ Nguyễn Văn Còn - Nguyễn Thị Ngon - Ảnh: T.H.

Mẹ Ngon kể: “Mẹ có 12 người con, chín trai, ba gái. Hai con trai hi sinh, một đứa chết bệnh.

Tuy có mất mát nhưng gia đình mẹ thật may mắn, hạnh phúc bởi con cháu đều học hành giỏi giang, nên người, thành đạt!”. Mẹ nhẩm tính, mắt sáng ngời niềm vui nói: “Vợ chồng mẹ thật có phúc nên có tới 60 cháu chít, sáu bác sĩ, kể thêm dâu là bảy”. Nhưng gương mặt mẹ đượm buồn, mắt rưng rưng...

“Mai mốt hòa bình con về”

Ký ức về những người con trai đã hi sinh vẫn in đậm vào lòng mẹ. Mẹ ngậm ngùi kể về anh Nguyễn Thanh Hồng (tên khai sinh là Nguyễn Văn Anh): “Nó sinh năm 1948, đi công an huyện Châu Thành, đội trưởng Đội an ninh tỉnh Bình Dương. Năm 1968 trên đường dẫn tội phạm từ Hòa Lợi đến chiến khu Đ lọt vào ổ phục kích, thằng Anh bị thương, chúng bắn bồi tiếp. Hi sinh cùng thằng Anh có hai người nữa. Chúng kéo ra bìa rừng để nằm trên đường, không ai dám lấy thi thể”.

Chỉ có người cha mới dũng cảm đối mặt với cái chết, tìm mọi cách lấy thi thể con.

Ba Còn kể: “Nghe tin, ba đánh xe bò đi vô, lòng quặn đau khi thấy ba thanh niên nằm phơi xác mấy ngày trời. Sợ địch cài mìn, ba dùng dây cột ngang thi thể thằng Anh lôi từ từ, rồi kéo thêm đứa nữa, đứa nữa... Ba đưa ba đứa lên xe bò, mang tụi nó về tẩn liệm, chôn ở nghĩa trang gia đình”.

Nước mắt mẹ lại trào khi kể đứa con kế tiếp hi sinh: “Thằng Nguyễn Văn Sống sinh năm 1951. Nó học Trường An Mỹ. Cách mạng thấy nó giỏi, có chí hướng, cho người móc nối nó hồi nào mẹ đâu hay. Một bữa nó về nhà nói như đinh đóng cột: “Mẹ, con đi theo anh!”.

Tôi hoảng hồn nói: “Con học hành còn dang dở, nỡ bỏ ba má đi sao?!”.

Thằng Sống nghiêm mặt: “Bao thanh niên miền Bắc cũng bỏ học vô Nam chiến đấu. Người ta sinh Bắc tử Nam. Con ở đây mà không làm gì coi sao được. Mình phải đi chiến đấu mới có hòa bình, thống nhất đất nước mẹ à. Con đi, mai mốt hòa bình con về, nói chuyện với mẹ nhiều hơn”.

Nhưng rồi anh Sống đâu có dịp nào nói chuyện với mẹ nữa. Anh Sống vào ngành công an, thỉnh thoảng mới được phép ghé thăm nhà. Tình mẹ thầm lặng dõi theo con. Thấy cái túi anh treo trên vách là mẹ đã biết, chuẩn bị mọi thứ nhét vào balô cho con từ chiếc khăn, bàn chải, mấy con cá khô.

Mẹ nghẹn ngào kể tiếp: “Có lần nó về, tôi khuyên nó tiếp tục đi học vì thấy nó học giỏi mà tiếc. Không đợi tôi nói thêm điều gì nữa, nó khoác cái bòng lên vai. Tôi hỏi: “Con đi nữa sao?”.

Nó cười buồn: “Má thấy vậy là biết rồi”. Nó nói nhát gừng để ngăn tôi không cản đường nó đi. Nó đâu biết lòng người mẹ nghĩ gì. Thằng Sống trắng trẻo, đẹp trai, hát hay, đàn giỏi, học giỏi tiếng Anh, giỏi toán. Nó đã đỗ tú tài, tôi muốn nó học lên đại học nhưng không thể ngăn con”.

Lặng đi một lúc, mẹ chậm rãi nói: “Má có ngăn cũng chẳng cản được nó”.

Anh đi rồi, đâu biết mẹ luôn ở bên anh, đồng hành theo anh trên bước đường công tác bằng những công việc thầm lặng của mẹ. Mẹ tiếp tế cho cách mạng cơm nước, gạo, mắm, dầu, thuốc Tây...

Những năm địch dựng hàng rào ấp chiến lược, phong tỏa mọi con đường, cách mạng đã tồn tại nhờ vào những bà mẹ dũng cảm, gan góc, mưu trí, sáng tạo như mẹ.

Sau ngày hòa bình, mẹ vẫn không tin con hi sinh. Mẹ đi tìm anh, đến từng nhà tù, nhà thương mà không thấy anh. Mãi đến năm 1979, đơn vị anh Sống báo sẽ bốc hài cốt đưa anh về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương mẹ mới chịu tin. Mẹ nghẹn ngào: “Không tin làm sao được khi tận mắt tôi nhìn thấy chiếc áo thun, quần đùi tôi mua ngày nó thoát ly!”.

Khó khăn như thế nào cũng không được bỏ học!

Sau khi anh Hồng, anh Sống hi sinh, ba mẹ Còn - Ngon còn có 10 người con nữa. Trách nhiệm trước đàn con khiến ba mẹ vượt lên nỗi đau riêng tảo tần kiếm sống.

Ba Còn đưa đò qua lại bến sông, mẹ Ngon trồng đậu xanh, đậu phộng, đẩy xe mua dưa, rau bán kiếm tiền. Cuộc đời đã đền bù cho ba mẹ Còn - Ngon thật xứng đáng.

Cả đàn con 10 người còn lại của ba mẹ Còn - Ngon đều học hành giỏi giang, thành đạt như ông Nguyễn Văn Cư đang là phó giáo sư - bác sĩ; ông Nguyễn Đức Huệ là bác sĩ Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM; ông Nguyễn Đức Minh - bác sĩ, thạc sĩ, giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM. Ba mẹ còn có ba người cháu và một con dâu là bác sĩ.

Ba mẹ Còn - Ngon không ngăn được niềm tự hào, nói: “Không phải tự dưng mà vợ chồng tôi có được hồng phúc nhìn con cháu thành đạt, ngoan hiền. Đó là kết quả của một quá trình giáo dục công phu, kiên trì, khó nhọc.

Chúng tôi là nông dân chữ chưa đầy lá mít, đâu biết gì mà theo sát chuyện học của bọn trẻ, chỉ lấy cách đối nhân xử thế của mình với bà con hàng xóm, với người thân, với cách mạng mà làm gương cho bọn nhỏ.

Tôi nói với con trai Nguyễn Văn Cư ngày đậu đại học năm 1974 rằng ba mẹ nghèo lắm, nhà dù chỉ còn miếng tro tỉa đậu, ba má cũng quyết cho các con ăn học thành tài.

Con hãy cố gắng, khó khăn như thế nào cũng không được bỏ học! Vì lời dặn đó mà vượt qua bao gian nan, thằng Cư cuối cùng cũng đậu bác sĩ, rồi phấn đấu trở thành phó giáo sư tiến sĩ. Nó học ngành y nên kéo mấy đứa em theo ngành nó. Tụi nhỏ noi gương anh thích nghề y của anh mà tiếp bước!”.

Khi hỏi mong ước cuối đời của mẹ là gì, tôi nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của mẹ Nguyễn Thị Ngon làm giãn những nếp nhăn in dấu tháng năm trên gương mặt mẹ: “Mẹ chỉ mong ước còn khỏe để sống vui với con cháu. Mẹ cũng yên lòng vì mồ mả hai đứa Hồng, Sống đã được quy tập về nghĩa trang”.

Nhưng liền sau đó tôi bắt gặp những giọt nước dấp dính trên mắt mẹ: “Những đứa em của thằng Hồng, thằng Sống đã sống thay mơ ước của anh nó”.

Chúng tôi là nông dân chữ chưa đầy lá mít, đâu biết gì mà theo sát chuyện học của bọn trẻ, chỉ lấy cách đối nhân xử thế của mình với bà con hàng xóm, với người thân, với cách mạng mà làm gương cho bọn nhỏ
Mẹ VN anh hùng NGUYỄN THỊ NGON
Theo TRẦM HƯƠNG (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm