Ngày 26-7, tỉ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) so với đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.249 đồng, giảm 16 đồng so với hôm qua.
Giá đôla diễn biến trái chiều giữa hai thị trường
Với biên độ +/-5% theo quy định của NHNN, các ngân hàng thương mại được phép niêm yết giá mua bán USD dao động trong khoảng từ 23.036 - 25.461 VND/USD. Còn tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, giá mua – bán đồng bạc xanh vẫn giữ nguyên ở mức 23.400 - 25.450 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại giảm giá USD bất ngờ điều chỉnh giảm, nhưng giá bán ra vẫn loanh quanh ngưỡng kịch trần. Đơn cử, Vietcombank đang neo giá mua vào bằng tiền mặt ở mức 25.091 VND/USD và bán ra là 25.461 VND/USD tăng 1 đồng ở cả hai chiều so với cuối ngày hôm qua.
So với phiên đầu tuần này, giá mua vào mỗi USD tại Vietcombank giảm 33 đồng, nhưng giá bán ra chỉ giảm 13 đồng.
Trong khi đó, Eximbank giảm 40 đồng ở chiều mua và giảm 17 đồng ở chiều bán ra, đưa giá USD về mức 25.100 – 25.460 VND/USD…
Trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh trồi sụt bất thường. Trong khi bật tăng mạnh vào giờ mở cửa phiên giao dịch sáng nay, nhưng lại đảo chiều đi xuống trong phiên chiều.
Hiện mỗi USD trên thị trường chợ đen đang được giao dịch phổ biến ở mức 25.670 – 25.750 VND/USD, giảm 20 đồng so với sáng nhưng vẫn cao hơn 10 đồng so với cuối phiên hôm qua. Chênh lệch giá bán mỗi USD giữa ngân hàng thương mại và thị trường tự do đang ở mức 290 – 300 đồng.
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 104,35 điểm, giảm 0,01% so với phiên trước. Giá đồng USD giảm trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm.
FED sẽ cắt giảm lãi suất 0,5% vào tháng 9 tới?
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Khối nghiên cứu Thị trường tài chính của ngân hàng ACB cho biết: Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức 2,8% trong quý 2 vừa qua, cao gấp đôi so với mức tăng trưởng quý 1 trước đó và cao hơn mức dự kiến 2% của các chuyên gia kinh tế.
Chi tiêu hộ gia đình, động lực chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới, tăng với tốc độ nhanh hơn khi thu nhập của người dân tiếp tục tăng, trong khi các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào máy móc thiết bị, dự trữ hàng tồn kho nhờ lạm phát hạ nhiệt.
Báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng khá vững chắc, ngay cả khi lạm phát tăng mạnh trong 2 năm vừa qua thúc đẩy Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ. Sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp đã bù đắp cho sự sụt giảm trong chi tiêu đầu tư nhà ở.
Một báo cáo khác vào tối qua cũng cho thấy giá tiêu dùng cá nhân PCE, công cụ theo dõi lạm phát được tin dùng của FED, đang chậm lại trong quý 2 vừa qua so với quý trước. Nếu không tính đến các mặt hàng thực phẩm và năng lượng, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân chỉ tăng 2,9% trong quý 2, giảm từ mức 3,7% trong quý đầu năm 2024.
"Hiện các nhà đầu tư trên thị trường đang kỳ vọng FED nhiều khả năng có thể cắt giảm lãi suất 0,5% vào tháng 9 thay vì 0,25% như dự kiến trước đó”, ông Hoàng nói.
VND mất giá 4,4% so với đầu năm
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú mới đây cho biết, từ đầu năm đến nay mức mất giá của VND chỉ khoảng 4,4%, trong khi nhiều quốc gia con số này lên đến 7-11%. Có thể nói đây là mức mất giá hợp lý của VND. Bởi chúng ta không thể cố định tỉ giá trong bối cảnh biến động kinh tế thế giới có nhiều tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Do đó, NHNN phải điều hành tỉ giá sao cho hài hoà giữa xuất khẩu – nhập khẩu, đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ. Trong 6 tháng đầu năm, chúng ta nhập khẩu rất lớn, lên đến 178 tỉ USD và cần một lượng ngoại tệ rất lớn để đáp ứng nhu cầu này.
"Chính vì thế, NHNN phải sử dụng các biện pháp, trong trường hợp cần thiết cũng đã phải bán can thiệp ngoại tệ để vừa giữ ổn định tỉ giá ở mức hợp lý vừa tạo điều kiện nguồn cung ngoại tệ cho nhu cầu nhập khẩu. Đồng thời, cũng đảm bảo được tâm lý cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", ông Tú nhấn mạnh.