Ngày 28-3, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Vital Strategies công bố báo cáo “Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”.
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam đã có nhiều chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá.
Tuy nhiên, sau những lần điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, tác động giảm tỉ lệ người hút thuốc còn hạn chế. Nguyên nhân một phần do thu nhập của người dân được cải thiện, chi tiêu cho thuốc lá còn nhỏ so với thu nhập và mức tăng thuế chưa đủ lớn.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), hiện nay thuế suất TTĐB áp dụng theo tỉ lệ % của giá xuất xưởng thuốc lá khiến giá bán lẻ thuốc lá Việt Nam rất thấp so với nhiều nước.
Theo sức mua tương đương, một số nước có giá thuốc lá bán lẻ cao từ 4,3-7,1 lần so với thuốc lá Việt Nam.
Do đó, Việt Nam cần cân nhắc chuyển sang áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tức là áp dụng cả thuế tuyệt đối và thuế tương đối.
Theo ông Dương, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá là cách tiếp cận thực tế ở nhiều quốc gia, đã mang lại hiệu quả khiến người tiêu dùng phải cân nhắc hơn về chi phí tiêu dùng thuốc lá.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần cân nhắc lựa chọn giá cơ sở cao hơn để tính thuế TTĐB thay vì giá xuất xưởng.
“Nếu các nội dung này được tiếp thu đồng thời trong cơ chế thuế TTĐB đối với thuốc lá, tác động giảm tiêu dùng thuốc lá có thể lớn hơn và bền vững hơn”-ông Dương nói.
Ngoài ra, nhà nước cũng cần cân nhắc những phương án tăng thuế TTĐB hữu hiệu hơn để trực tiếp phục vụ mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc lá và các chương trình, sáng kiến hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Báo cáo nghiên cứu của CIEM đã mô phỏng tác động của chính sách thuế TTĐB đối với thuốc lá và chi chuyển giao từ ngân sách nhà nước đối với các cá nhân và hộ gia đình, dựa trên số liệu Điều tra mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê.
Kết quả mô phỏng với các kịch bản đều cho thấy tăng thu ngân sách từ thuế TTĐB thuốc lá có thể giúp bổ sung nguồn lực tài chính để đầu tư thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong đó có chi hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em nghèo, chi chăm sóc sức khỏe và đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người nghèo.
Theo địa phương, TP.HCM có mức tăng thu ngân sách lớn nhất từ điều chỉnh thuế TTĐB đối với thuốc lá, có thể đạt tới 6,9 tỉ đồng/tháng. Hà Nội và Bình Dương có thể đạt tương ứng 4,9 tỉ đồng/tháng và 4,4 tỉ đồng/tháng.
Nếu cho phép sử dụng nguồn tăng thu từ thuế TTĐB thuốc lá, một số địa phương như TP.HCM có thể chi linh hoạt hơn để phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn.