Tỉ giá trung tâm ngày 26-12 được NHNN công bố ở mức 23.870 VND/USD, giảm 25 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5%, tỉ giá USD sàn là từ 22.677 VND/USD và tỉ giá trần là 25.064 VND/USD.
Tỉ giá USD/VND chợ đen biến động mạnh
Giá USD tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng khá mạnh. Cụ thể, tại Vietcombank, tăng 70 đồng ở cả hai chiều so với cuối giờ chiều qua, đưa giá mua – bán lên mức 24.100 - 24.470 VND/USD. Ngân hàng Eximbank cộng thêm tới 90 đồng cho mỗi USD, nâng giá mua lên 24.090 VND/USD và bán ra với giá 24.480 VND/USD.
Trên thị trường chợ đen, đồng đôla Mỹ tăng “nóng”, khi giá mua – bán lúc 4h chiều nay giao dịch phổ biến quanh mức 24.770 - 24.820 VND/USD, tăng 100 đồng ở cả hai chiều so với phiên gần nhất.
Chỉ số đo sức mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế vẫn dao động quanh 101,38 điểm, tăng không đáng kể so với hôm qua và đây là vùng giá thấp nhất của chỉ số USD-Index trong khoảng 6 tháng qua và đã giảm 1,8% so với cuối năm ngoái.
Mặc dù giá đồng USD trên thị trường quốc tế đang đi xuống, nhưng tại thị trường trong nước tỉ giá USDVND lại “quay xe”. Đáng chú ý, hiện nay cung - cầu ngoại tệ không có nhiều áp lực (nhờ cán cân thương mại 2023 ước tính thặng dư 26 tỉ USD hay kiều hối năm 2023 về TP. HCM ước tính đạt 9 tỉ USD – tăng 35% so với cùng kỳ) và sự hạ nhiệt của USD quốc tế giúp tỉ giá liên ngân hàng hạ nhiệt.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, diễn biến trái chiều tỉ giá USD/VND nhất là trên thị trường chợ đen chịu tác động chủ yếu từ việc giá vàng liên tục xác lập kỷ lục mới. Có thể đâu đó có hiện tượng gom ngoại tệ để mua vàng lậu, khiến giá USD tự do liên tục “nhảy múa”.
Dự báo FED sẽ giảm lãi suất ở mức 4,5% vào cuối năm 2024
Nhiều chuyên gia cho rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất điều hành vào năm sau là tất yếu, song vấn đề nhà đầu tư quan tâm nhất vào lúc này là khi nào lãi suất sẽ quay đầu và mức giảm là bao nhiêu?
Cuộc chiến chống lạm phát đang đổi chiều theo hướng có lợi cho ngân hàng Trung ương (NHTW) của các nước nhờ giá năng lượng hạ nhiệt cũng như chuỗi cung ứng cải thiện dẫn đến giá cả hàng hóa quay trở lại mặt bằng hợp lý.
Trung bình giá dầu năm 2023 ở mức 82 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 101 USD/thùng của năm 2022. Đồng thời, các nút thắt của chuỗi cung ứng cũng như tình trạng thiếu chất bán dẫn đã được tháo gỡ trong năm 2023. Từng được cho là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến giá cả hàng hóa leo thang trong giai đoạn 2021 – 2022.
Vì vậy, tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm từ mức đỉnh 9,1% cuối năm ngoái xuống còn 3,1% trong tháng 11-2023 và đang có khả năng giảm hơn nữa khi chỉ số giá nhà vẫn đang trên đà giảm tốc.
Tại khu vực sử dụng đồng Euro, lạm phát đã xuống dưới 3% từ tháng 10 và tại Anh, lạm phát đã rơi xuống mức 4,6%, mức thấp nhất trong hai năm gần đây.
Lạm phát hạ nhiệt cho phép các NHTW chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất và dần chuyển dịch từ chính sách thắt chặt sang giai đoạn hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy nhiên câu hỏi quan trọng được đặt ra là lãi suất sẽ hạ khi nào và mức giảm sẽ là bao nhiêu?
Trong kỳ họp ngày 13-12, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho rằng có thể có ít nhất 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024, với tổng mức giảm là 75 điểm cơ bản. Trong lịch sử chu kỳ tăng lãi suất của FED, khoảng thời gian bình quân từ lần tăng cuối cùng đến lần giảm đầu tiên là 8 tháng.
Vì vậy thị trường tài chính đang kỳ vọng lãi suất sẽ giảm từ tháng 3 năm sau, với tổng mức giảm đạt khoảng 150 điểm cơ bản trong cả năm 2024.
Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế tại Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng trong bối cảnh giá năng lượng vẫn còn khó đoán định, giá lương thực thực phẩm vẫn có xu hướng tăng trong năm 2024 do sản lượng thấp. Do đó lạm phát của Mỹ vẫn đang cách khá xa mục tiêu dài hạn 2% của FED.
Bên cạnh đó, chu kỳ đầu tư chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu “zero-carbon” và đầu tư công nghệ mới vẫn đang tạo áp lực lên chi phí vốn. Vậy nên, lãi suất sẽ khó hạ nhiệt nhanh trong năm 2024. MBS đưa ra mức dự báo rằng FED sẽ giảm lãi suất khoảng 100 điểm cơ bản, lãi suất sẽ ở mức 4,5% vào cuối năm 2024.