Tính chung từ sau sự kiện Brexit, giá vàng đã tăng khoảng 7%, giới đầu tư vàng đã gia tăng nắm giữ kim loại quý này. Theo quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust, lượng vàng nắm giữ của quỹ này đã tăng hơn 953 tấn trong phiên ngày 1-7. Đây là mức nắm giữ cao nhất kể từ tháng 7-2013.
Tương tự biến động của thị trường vàng thế giới, sáng qua (5-7), giá vàng miếng SJC trong nước bật tăng lên ngưỡng 37 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 36,6 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Sau đó đến cuối giờ chiều thì giá vàng có giảm nhẹ nhưng vẫn nằm trong ngưỡng khá cao. Như vậy, từ sau khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU, giá vàng trong nước đã tăng lên gần 3 triệu đồng mỗi lượng. Hiện giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới khoảng 600.000 đồng/lượng. Theo người quản lý một cửa hàng kinh doanh vàng miếng PNJ tại quận Phú Nhuận thì từ đầu tháng 7 trở lại đây, lượng mua vào lại tăng mạnh hơn lượng bán ra. Rất có thể đó là do nhiều nhà đầu tư đang “bắt sóng” giá vàng.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty PNJ, đưa ra khuyến nghị: Hiện chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức cao. Hơn nữa, xu hướng biến động của giá vàng thế giới vô cùng phức tạp và khó lường. Trong ngắn hạn, giá vàng trong nước vẫn sẽ tăng nhưng 70% bám theo đường đi của giá vàng thế giới, 30% còn lại phụ thuộc vào cung cầu của thị trường trong nước. “Cho nên nhà đầu tư nên bình tĩnh, đừng đổ xô đi mua trong lúc thị trường đang biến động. Vì giá vàng thế giới rất nhiều ẩn số và sẽ đảo chiều không lường trước được” - bà Cúc nói.
Một lãnh đạo của Công ty Vàng SJC cũng khuyên nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường, tránh mua bán chạy theo số đông vì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.