Đơn cử tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng từ mức cao kỷ lục là 90,1 – 92,4 triệu đồng/lượng (mua – bán) đã được điều chỉnh giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua và giảm 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với cuối ngày hôm qua, đưa giá giao dịch xuống còn 88,8 triệu đồng/lượng (mua) và 91,3 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tương tự, Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng, cũng liên tục giảm mạnh giá mua vào. Nếu lúc mở cửa doanh nghiệp này chỉ giảm 300.000 đồng/lượng thì đến 10h, giá bán được được điều chỉnh giảm sâu thêm 500.000 đồng/lượng, niêm yết giá mua bán ở mức 88,2 – 90,7 triệu đồng/lượng.
Không chỉ giảm mạnh giá mua bán, mà khoảng cách chênh lệch giữa giá mua – bán của vàng miếng SJC cũng được các doanh nghiệp đồng loạt thu hẹp so với chiều qua, từ mức vênh 2,7 – 3 triệu đồng/lượng, hiện chỉ vênh nhau khoảng 2,5 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, các loại vàng nhẫn 9999 đứng im “bất động”, không thay đổi so với hôm qua. Theo đó, vàng nhẫn tròn trơn tại SJC vẫn được niêm yết ở mức 74,85 – 76,55 triệu đồng/lượng (mua – bán). Tương tự, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận không thay đổi giá mua bán vàng nhẫn, neo ở mức 74,9 – 76, 8 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đi ngang ở vùng 2.359 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương 72,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC gần 19 triệu đồng/lượng.
Chỉ trong vòng nửa tháng qua, mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng miếng SJC tại thị trường đã tăng gần như gấp đôi, bất chấp động thái tăng nguồn cung vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước thông qua hình thức đấu thầu.
Trong vài phiên gần đây, giá vàng miếng SJC liên tục lập đỉnh, có những thời điểm các mốc kỷ lục mới về giá bị xô đổ chỉ sau vài chục phút.
Theo các nhà đầu tư vàng chuyên nghiệp, đây không phải là thời điểm để mua vào mà nên là thời điểm để chốt lời. Bởi giá vàng miếng SJC có thể sập mạnh bất cứ lúc nào.