Sáng 21-6, giá vàng thế giới vượt mốc 1.400 USD/ounce, tương đương khoảng 39,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tăng sốc, đẩy giá vàng trong nước nhảy qua mốc 39 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao nhất trong nhiều năm.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch, giá vàng trong nước tiếp tục nhảy vọt theo đà biến động của giá thế giới. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào 38,7 triệu đồng/lượng, bán ra 39 triệu đồng/lượng. Song đây chưa phải là mức giá được niêm yết cao nhất trên thị trường bởi giá vàng miếng DOJI bán lẻ ở Đà Nẵng chính thức vọt lên mức trên 39 triệu đồng/lượng. Thậm chí giá vàng nữ trang DOJI còn vọt lên 39,30 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Giá vàng trong nước bắt đầu đi lên từ hai tuần qua và đang có đợt biến động mạnh nhất kể từ đầu năm. Chỉ trong hai ngày qua, giá vàng miếng đã tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm tăng đến 1,4 triệu đồng/lượng. Đây là hiện tượng hiếm thấy trên thị trường trong suốt một thời gian dài.
Nếu tính trong một tháng qua, giá vàng tăng tới 2,8 triệu đồng/lượng và đang ở mức cao nhất kể từ tháng 7-2016 đến nay. Tuy giá vàng trong nước tăng nhưng so với giá vàng thế giới quy đổi vẫn thấp hơn 550.000-650.000 đồng/lượng. Nguyên nhân là giá vàng trong nước tăng chậm hơn giá thế giới. Tranh thủ giá vàng tăng, nhiều người mang vàng đi bán.
Người dân mua vàng tại một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Lý giải việc giá vàng đột biến, chuyên gia ngành vàng Trần Thanh Hải phân tích: Giá vàng đang bị tác động bởi nhiều yếu tố, như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu dừng lại. Khi giá vàng thế giới tăng, kéo theo giá vàng trong nước tăng là điều khó tránh khỏi.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho biết thêm: Thông tin về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không tăng lãi suất, đồng thời bắn tín hiệu có thể hạ lãi suất đang tác động vào thị trường vàng nhiều hơn. Hơn nữa, đồng USD đã giảm về mức khoảng 96 điểm từ 97 điểm. Điều này đã giúp phần còn lại của thị trường tài chính bao gồm vàng, chứng khoán, ngoại hối, tiền số, dầu và các loại hàng hóa gia tăng khi USD giảm điểm.
“Giá vàng đang là điểm sáng mạnh nhất trên thị trường lúc này khi sự lấp lánh của nó trở nên mạnh hơn bao giờ hết. Giá vàng thế giới đã vượt 1.400 USD/ounce, mức cao nhất trong sáu năm qua (từ năm 2013). Giá vàng thế giới có thể hướng đến vùng 1.600 USD/ounce trong năm nay, trong khi tại thị trường trong nước, giá vàng SJC có thể vượt qua ngưỡng 40 triệu đồng/lượng” - ông Khánh nhận định.
Giới kinh doanh vàng cũng cho rằng giá vàng trong nước tăng chủ yếu do ảnh hưởng của giá vàng thế giới. Trong trong suốt một thời gian dài, giá vàng miếng chủ yếu chỉ dao động quanh mức 36-36,5 triệu đồng/lượng. Nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, khi giá vàng thế giới tăng sốc do FED tuyên bố sắp có đợt cắt giảm lãi suất.
Giới phân tích dự báo giá vàng lên ngưỡng 1.600 USD/ounce, bởi nhà đầu tư coi vàng là “vịnh tránh bão” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, các ngân hàng trung ương thế giới đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn về chính sách tiền tệ. Ngoài ra, các quỹ giao dịch và các ngân hàng trung ương thế giới tăng mua vàng. Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đến tháng 5 vừa qua đã mua ròng vàng sáu tháng liên tiếp.
Chuyên gia Phan Dũng Khánh cũng cho rằng các nhà đầu tư trên thế giới chuyển sang kênh vàng trong điều kiện kinh tế thế giới bất ổn là điều dễ hiểu. Tuy vậy, các nhà đầu tư vàng ngắn hạn ở thời điểm này phải hết sức cẩn trọng. “Hiện giá vàng trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường, vì vậy nhà đầu tư cần cẩn trọng vào lúc này không thừa. Đối với các nhà đầu tư khi mua vàng thì cần đầu tư trung và dài hạn mới có khả năng mang lại lợi nhuận” - ông Khánh nói.
Ngày 21-6, tỉ giá USD/VND giảm trên cả thị trường tự do và ngân hàng. Vietcombank niêm yết giá USD mua vào ở mức 23.230 đồng và bán ra 23.350 đồng, giảm khoảng 25 đồng so với trước đó một ngày. Giá USD mua vào trên thị trường tự do phổ biến ở mức 23.280 đồng và bán ra 23.310 đồng, giảm 10-15 đồng. |