Hai tuần kể từ sau 15-9 sẽ là khoảng thời gian quyết định của TP.HCM. Trong giai đoạn khó khăn nhưng cũng đầy hi vọng này, “sai một li sẽ đi một dặm”.
TP.HCM suốt những tuần giãn cách qua đã tốn rất nhiều tâm sức. Nhưng, nếu dồn sức “kéo pháo vào” mà chưa đến thời điểm thì cũng phải “kéo pháo ra” như tinh thần của tướng Giáp đánh trận Điện Biên Phủ.
Dù có chậm một nhịp thì điều quan trọng chính là TP kiên định tư duy chiến lược chống dịch trong bối cảnh mới dựa vào thực tiễn của thành phố.
Niềm vui của một bệnh nhân sau khi đã điều trị khỏi bệnh tại BV Hồi sức COVID-19 và xuất viện, trở về cuộc sống. Ảnh: NGUYỆT NHI
Theo các hướng dẫn mở cửa của của Bộ Y tế đề xuất cho TP đến nay, quan điểm “zero covid”, tức “bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng” vẫn đang hiện hữu và (nhiều chỗ) vẫn mang chủ đạo. Trong khi đó, thực tế cho thấy TP phải chuyển sang “sống chung an toàn, và từ đối đầu sang thích nghi với virus và các biến thể tương lai của nó”.
Các tiêu chí và hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường phù hợp với tinh thần mới là “thích nghi với SARS-CoV-2”, với các trọng tâm về điều trị y tế và quản lý rủi ro như: Độ bao phủ vaccine, tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng, số giường bệnh còn trống và ngưỡng chịu đựng nói chung của hệ thống y tế, tỷ lệ tử vong, năng lực xét nghiệm, chăm sóc F0 tại nhà…
Cách tiếp cận này không chỉ phù hợp với tình hình TP, mà còn cả với các tỉnh xung quanh tại Nam Bộ khi tình trạng lây lan virus sâu rộng và hiện tượng thoát miễn dịch của biến thể Delta ngày càng phổ biến.
Mặt khác, việc xem xét lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới của TP.HCM cần dựa vào tình hình thực tiễn tại TP. Bên cạnh những vấn đề về y tế, nhiều nội dung khác cần được quan tâm như ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế, ngưỡng chịu đựng về mặt xã hội (đặc biệt về tinh thần và tâm lý của người dân), khả năng đáp ứng an sinh xã hội của ngân sách.
Tổ tư vấn phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP đã phối hợp với các nhóm nghiên cứu độc lập khảo sát 13 thành phố có quy mô tương tự TP.HCM (như Bangkok, Jakarta, Singapore, Seoul, Tokyo, Delhi, London, New York…). Các kết quả đến thời điểm này cho thấy: Trong bất kỳ kịch bản giãn cách xã hội nào, chuỗi hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân luôn đảm bảo an toàn, không đứt gãy.
Ngoài ra, thời gian giãn cách kéo dài từ 44-55 ngày nằm trong mức chịu đựng của người dân. Giãn cách càng kéo dài, vượt ngưỡng chịu đựng, thì đều có thể xuất hiện những phản ứng không mong muốn từ xã hội. Những bằng chứng dựa trên dữ liệu này cần được xem như một chỉ dấu đa chiều cho các mục tiêu của TP.