Giải pháp ngăn chặn nạn vẽ bậy, bôi bẩn ở đô thị

(PLO)- Xử lý thật nghiêm để răn đe, tạo sân chơi cho người vẽ graffiti là các giải pháp được đưa ra.

Công trình công cộng, nhiều con đường, tuyến hẻm, thành cầu, trạm xe buýt đang bị biến thành nơi để các “họa sĩ đường phố” tranh tài thi vẽ bậy bằng hình thức phun sơn đủ hình thù quái dị, nguệch ngoạc đủ màu sắc... Trong đó, nhiều người nước ngoài cũng tham gia bôi bẩn, gây mất mỹ quan đô thị.

Vẽ đủ hình thù, ký hiệu khó hiểu

Tình trạng vẽ bậy diễn ra khắp nơi tại các công trình công cộng, mặt bằng văn phòng, cửa hàng không hoạt động lâu ngày đều xuất hiện dày đặc những nét vẽ theo phong cách đường phố (graffiti).

Bức tường dọc đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM) bị phủ kín nét vẽ bậy. Ảnh: TRẦN MINH

Ông Nguyễn Tấn Phát, nhân viên bảo vệ của một nhà hàng gần cầu Ba Son (quận 1, TP.HCM), cho biết tình trạng vẽ bậy diễn ra liên tục, cứ xử lý, làm sạch được vài hôm lại tái diễn. “Có hôm tôi tan ca vào buổi tối thấy chân cầu sạch tinh, vậy mà sáng ra đi làm là đầy rẫy hình vẽ, màu sắc. Đề nghị cơ quan chức năng truy tìm, xử lý, bắt những kẻ này khôi phục tình trạng ban đầu” - ông Phát nói.

Chị VNQ, chủ mặt bằng cho thuê trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM), cho biết vì kinh tế khó khăn, mặt bằng của chị luôn treo bảng nhưng chưa có ai thuê. Tuy nhiên, cửa cuốn đã bị hàng loạt hình vẽ xâm chiếm. “Nhìn tài sản của mình bị vẽ nguệch ngoạc, xấu xí mà bất lực. Sơn thường không thể che lấp, phải dùng sơn chuyên dụng may ra xóa được nhưng tiền đâu mà sơn hoài” - chị VNQ bày tỏ.

Không chỉ vậy, người nước ngoài cũng tham gia vẽ bậy khắp nơi. Cách đây ít lâu, khi đang di chuyển trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1, TP.HCM), em MN ngỡ ngàng khi thấy cảnh một người nước ngoài cầm bình sơn mini xịt sơn lên những vách tôn rào chắn một công trình đang xây dựng trên tuyến đường này. “Khi đó khoảng 17 giờ 30. Người này thản nhiên cầm bình sơn xịt nguệch ngoạc mặc người qua đường đi lại. Có người la lên cảnh báo, người này mới ngưng tay bỏ đi” - em MN kể lại.

Trao đổi với PV, chị An, người từng chứng kiến cảnh vẽ bậy, cho biết các đối tượng vẽ bậy thường hoạt động vào ban đêm. “Có hôm đi làm về, tôi thấy một nhóm khoảng 4-5 người nước ngoài cầm một túi đựng bình xịt đủ màu sắc, bút vẽ. Họ thay nhau phun, xịt sơn lên tường. Tôi không hiểu sao những người này lại hành động xấu như vậy” - chị An bức xúc kể lại.

Cần tạo sân chơi cho người vẽ graffiti

Theo bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, để giải quyết tình trạng vẽ bậy, dán quảng cáo, thời gian qua UBND quận đã triển khai nhiều mô hình như vẽ tranh trên tường, xóa quảng cáo rao vặt. Bên cạnh đó, quận cũng áp dụng mô hình vận động trang trí tuyến đường, tuyến hẻm bằng đèn nghệ thuật, cờ, cây xanh, biểu tượng... trên địa bàn 10 phường.

Các tác phẩm graffiti của CRESK tại khu Community Art, Global Fountain, The Global City (TP Thủ Đức). Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Tấn Lực, biệt danh là CRESK, là nghệ sĩ graffiti sống tại TP.HCM, được biết đến rộng rãi trong cộng đồng nghệ thuật đường phố, cho biết những ngày đầu vừa du nhập, loại hình nghệ thuật này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ công chúng và những nghệ sĩ theo đuổi graffiti cũng phải nếm trải muôn vàn khó khăn.

“Thể loại graffiti này là loại hình văn hóa mới du nhập cùng hip hop, vì vậy việc tiếp nhận của người dân địa phương rất khó. Khoảng thời gian đầu tôi cũng có nhiều trục trặc lắm. Tôi chật vật vì tìm kiếm nguyên liệu sơn xịt chất lượng, địa điểm luyện tập và xin phép chính quyền địa phương” - anh Lực nói về khó khăn.

Trên thực tế đã có đơn vị tổ chức sân chơi dành cho người vẽ graffiti như cuộc thi artLIVE Graffiti Championship - đấu trường dành riêng cho các “nghệ sĩ đường phố”. Đây là một trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khổ sự kiện Saigon Urban Street Fest do artLIVE tổ chức.

Về lý do tổ chức cuộc thi này, chị Annie Nguyễn, Quản lý truyền thông artLIVE, đơn vị tổ chức cuộc thi artLIVE Graffiti Championship chia sẻ: "Graffiti đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 1970. Nó chính là nghệ thuật dành cho các cá nhân muốn thể hiện bản thân thông qua những nét vẽ nguệch ngoạc nhưng đầy sáng tạo.

Dạo khắp con phố, ta có thể bắt gặp những hình vẽ Graffiti khắp nơi, tuy vậy, có nhiều định kiến xoay quanh loại hình này, đôi khi khiến ranh giới giữa nghệ thuật và phá hoại trở nên mờ nhạt.

Chính vì thế artLIVE Graffiti Championship (AGC) ra đời nhằm tạo ra không gian để các nghệ sĩ trẻ thể hiện bản thân, góp phần làm phong phú văn hoá cộng đồng.

Hơn nữa, AGC còn mang ý nghĩa sâu sắc với mỗi tác phẩm dự thi đều mang một câu chuyện và thông điệp riêng. Thông qua chủ đề của từng vòng thi, AGC khuyến khích các nghệ sĩ trẻ tạo ra các tác phẩm mang những thông điệp tích cực, ý nghĩa, từ đó lan tỏa nhận thức đến cộng đồng".

Sớm thực hiện dự án sửa chữa và sơn chỉnh trang, chống vẽ

Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cho biết trung tâm đang thực hiện dự án sửa chữa và sơn chỉnh trang, chống vẽ trên các cầu lớn theo Quyết định 1258/QĐ-SGTVT ngày 15-11-2023 của Sở GTVT.

Dự án sửa chữa và sơn chỉnh trang, chống vẽ trên các cầu lớn nhằm sơn lại các vị trí bị vẽ bậy. Đồng thời, sơn thêm lớp chống dính để khi bị vẽ sẽ dễ dàng lau sạch hoặc dùng máy xịt nước để xóa những vết sơn, vẽ; tăng cường công tác tuần tra và lắp đặt thêm camera.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính (Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết đối với hành vi dán quảng cáo, vẽ bậy đã có những quy định của pháp luật xử lý cơ bản nhằm bảo đảm sức răn đe đối với đối tượng vi phạm. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền, khắc phục hậu quả, ngoài ra có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương cho biết rất khó để phát hiện, xử phạt đối tượng vi phạm, nguyên nhân cơ bản là do đối tượng thực hiện hành vi thường lén lút thực hiện ở những nơi vắng, tối, vào đêm khuya khi không còn người qua lại, không còn lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát.

Để hạn chế tình trạng vẽ bậy, dán quảng cáo không đúng nơi quy định gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, các cơ quan phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Đồng thời huy động sự đồng hành, phối hợp của người dân trong việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường lắp đặt, sử dụng các loại phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, đặc biệt là camera để phát hiện hành vi vi phạm, làm cơ sở xử lý đối tượng vi phạm.

Ngoài ra, sự đồng hành của báo chí, phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đưa tin về những trường hợp vi phạm bị xử lý cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giảm thiểu các vụ việc vi phạm, tạo môi trường sống xanh, đẹp, an toàn cho người dân TP.

Đừng bôi bẩn khắp nơi nữa!

Tình trạng vẽ bậy, dám quảng cáo sai quy định đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh. Lực lượng chức năng cũng từng xử phạt nhiều cá nhân vi phạm, tổ chức rất nhiều đợt tô, sửa “khắc phục hậu quả” nhưng “người làm, kẻ phá”. Điều đáng nói là các đối tượng ngày càng hoạt động tinh vi với nhiều hình thức vi phạm.

Nhiều người lợi dụng, hiểu sai về nghệ thuật graffiti - một loại hình nghệ thuật đô thị. Từ đó dẫn đến hành vi vẽ graffiti không đúng chỗ, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, lợi ích chung của cộng đồng.

Tại một số quốc gia trên thế giới, luật pháp đã nghiêm trị, chế tài đối với người vẽ graffiti bất hợp pháp bằng hình thức phạt tiền, lao động công ích hoặc phạt tù.

Ngoài áp dụng biện pháp chế tài, một số nước còn trục xuất người nước ngoài và đưa vào danh sách đen không được quay lại nếu người nước ngoài có hành vi vẽ bậy tại quốc gia của họ.

Tại Việt Nam, các quy định và chế tài về hành vi vẽ bậy, dán quảng cáo đã có và tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trên thực tế việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS Đinh Văn Mãi, giảng viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết nên sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, truyền hình, báo chí để tuyên truyền về tác động tiêu cực của việc vẽ bậy và bôi bẩn. Đồng thời giới thiệu cách thức biểu đạt nghệ thuật đường phố, graffiti hợp pháp và có ý nghĩa, phù hợp với văn hóa cộng đồng. Đồng thời cần tính toán xây dựng khu vực vẽ graffiti, nơi giới trẻ có thể tự do thể hiện tài năng nghệ thuật mà không vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể tạo các kênh để người dân phản ánh, báo cáo hành vi vẽ bậy nhằm giúp nhanh chóng xử lý và ngăn chặn kịp thời, tránh tình trạng này tái diễn. Việc triển khai nhiều giải pháp khác nhau sẽ giúp thay đổi nhận thức và hành vi của giới trẻ về vấn đề vẽ bậy, bôi bẩn, hướng họ tới những hành động có ý thức và trách nhiệm hơn.

Nghệ thuật cần phải được thể hiện trong những không gian thẩm mỹ phù hợp. Nghệ thuật không phải là sự phá bĩnh, bôi bẩn TP như tình trạng bấy lâu nay. Xin hãy dừng lại, đừng bôi bẩn khắp nơi như thế nữa!

THẢO HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới