Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người chỉ nên ăn không quá 5 g muối/ngày, tương đương với một thìa cà phê muối. Tuy nhiên, trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4 g muối/ngày, gấp hai lần so với khuyến nghị của WHO.
Người Việt ăn mặn gấp đôi khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Ảnh: Internet
Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra ăn nhiều muối làm tăng tỉ lệ mắc bệnh tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. Do đó, việc giảm muối trở thành nhiệm vụ cấp bách của nhiều quốc gia trên thế giới. Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương đã nêu một vài cách giảm muối ở một số nước.
Đơn cử như các nước phương Tây, họ giảm muối thông qua các thực phẩm chế biến sẵn. Tại Anh, từ năm 2006 đến năm 2011 đã giảm được gần 30% lượng muối thêm vào tám loại thực phẩm chế biến sẵn gồm rau quả, ngũ cốc, thịt, sản phẩm từ bơ sữa, thực phẩm đóng hộp và đồ uống.
Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành luật và quy định loại thực phẩm được phép bán trong căn tin trường học, kết hợp với các hoạt động truyền thông cho nhà trường, phụ huynh, học sinh, công ty thực phẩm. Kết quả, bữa ăn trưa của học sinh tại trường đã giảm 30% lượng muối thêm vào.
Hay tại Nhật Bản, chính phủ giảm muối bằng cách nâng cao hiểu biết của người dân về muối và sức khỏe thông qua các chương trình giáo dục công và các chiến dịch nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Kết quả sau nhiều năm nỗ lực giảm muối, mức tiêu thụ muối của người Nhật đã giảm từ 18 g/người/ngày xuống mức 12,2 g/người/ngày, song song với đó là giảm tỉ lệ tăng huyết áp và giảm tỉ lệ tử vong do đột quỵ.
Tương tự, Trung Quốc cũng triển khai việc kêu gọi giảm muối trong ăn uống thông qua các chiến dịch giáo dục cấp quốc gia và khu vực. Ngoài ra, ở Trung Quốc, các nghiên cứu đang được tiến hành nhằm xem xét việc sử dụng các chất thay thế muối thêm vào trong quá trình nấu ăn.
Hay tại Argentina, Bộ Y tế nước này đã thực hiện chiến dịch can thiệp giảm muối hướng tới công ty thực phẩm quốc gia, địa phương và các cá nhân trong cộng đồng. Đơn cử, đối với các công ty thực phẩm đã thực hiện giảm muối bắt buộc đối với bốn nhóm phổ biến gồm thịt chế biến sẵn, sản phẩm từ bơ sữa, súp, bánh ngũ cốc, bánh quy, pizza. Đồng thời ra cảnh báo về ăn nhiều muối trên nhãn sản phẩm và giảm khối lượng của các gói muối.
Tại Việt Nam, Viện Dinh dưỡng Quốc gia kêu gọi người dân thực hiện chế độ "ba giảm, một tăng" giúp phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Theo đó, chế độ ba giảm bao gồm: giảm (natri) muối, giảm đường tự do, giảm chất béo (thực phẩm chứa chất béo có hại), và “một tăng”: tăng cường rau củ, trái cây. Cùng với ăn uống, chúng ta phải duy trì cân nặng hợp lý, lối sống năng động, lành mạnh như vận động thể lực thường xuyên, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.
Chia sẻ vớiPLO, ThS-BS Trần Thị Hồng Loan, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp Viện Dinh dưỡng NutiFood, cho hay để giảm bớt tác hại của việc ăn mặn gây ra cho sức khỏe, chúng ta cần thực hành ăn giảm muối theo phương châm: “Cho bớt muối - Chấm nhẹ tay - Giảm ngay đồ mặn”.
Thực hiện phương châm "Cho bớt muối - Chấm nhẹ tay - Giảm ngay đồ mặn”. Ảnh: Internet
BS Loan đưa ra các khuyến nghị như: "Cần giảm lượng muối, nước mắm, nước tương, bột nêm, bột ngọt khi nêm nếm thức ăn. Đối với người thường xuyên ăn mặn, nên bỏ ngay hoặc giảm dần việc chấm muối, hạn chế chan thêm nước chấm hay nước sốt khi ăn. Không để thêm lọ muối, lọ nước mắm… trên bàn ăn đề phòng cảm giác “thèm ăn mặn” và tiện tay lấy dùng". Theo bác sĩ, việc giảm ăn muối, ăn mặn nên thực hiện từ từ để cơ quan cảm nhận vị giác của bạn có thể làm quen và thích nghi dần với việc giảm vị mặn.
Ngoài ra, người dân cần hạn chế sử dụng các sản phẩm có hàm lượng muối cao như khoai tây chiên, pizza, thực phẩm sẵn, cà muối, dưa muối... Nếu buộc phải ăn các thực phẩm chế biến sẵn thì có thể lựa chọn các thực phẩm có hàm lượng muối ít hơn bằng cách xem thành phần muối hoặc natri ghi trên nhãn dinh dưỡng của thực phẩm.
“Tập cho các bé thói quen ăn nhạt ngay từ nhỏ cũng là một cách để giảm lượng muối ăn hằng ngày và bảo vệ sức khỏe” - BS Loan cho biết thêm.