Giảm nhiều thủ tục khi đi khám, chữa bệnh BHYT

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), khẳng định: Phải làm sao cho người dân thấy tầm quan trọng của việc mua thẻ BHYT là cần thiết, thấy được quyền và lợi ích của mình trong đó. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ khám y tế phải tăng lên, đồng thời quyết liệt chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh giảm bớt các thủ tục hành chính để giảm phiền hà cho người bệnh.

Giảm nhiều thủ tục

. Phóng viên: Bộ Y tế và BHXH Việt Nam khẳng định sẽ giảm nhiều thủ tục hành chính để tăng lượng tham gia BHYT. Đó là những thủ tục nào, thưa ông?

+ Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế): Hiện nay về thủ tục đi khám, chữa bệnh, người bệnh khi đến cơ sở khám, chữa bệnh đăng ký ban đầu chỉ cần mang thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT không có ảnh, cần phải mang theo giấy tờ CMND (giấy phép lái xe, hộ chiếu, các thẻ có ảnh…); trường hợp trẻ em dưới sáu tuổi cần mang theo thẻ BHYT; trẻ sơ sinh chưa có thẻ BHYT có thể sử dụng giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh; học sinh, sinh viên sử dụng thẻ học sinh, sinh viên.

. Những trường hợp chuyển viện thì sao, thưa ông?

+ Đối với trường hợp chuyển tuyến nay chỉ cần duy nhất giấy giới thiệu chuyển viện của nơi gửi bệnh nhân đi. Ví dụ, bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh tại tuyến xã, trước đây cơ quan bảo hiểm yêu cầu phải có giấy chuyển viện từ xã lên huyện, huyện lên tỉnh, tỉnh lên trung ương. Nhưng bây giờ từ tuyến tỉnh chuyển đến tuyến trung ương chỉ cần một giấy giới thiệu của nơi chuyển đi là từ tuyến tỉnh, không cần giấy giới thiệu chuyển của các tuyến trước. Trường hợp cấp cứu thì bệnh nhân vào bất kỳ cơ sở y tế nào, được thanh toán như đúng tuyến.

Người dân đang làm thủ tục khám BHYT. Ảnh: HH

. Thủ tục thanh toán viện phí có gọn nhẹ hơn không, thưa ông?

+ Về thủ tục thanh toán viện phí, trước đây khi thanh toán yêu cầu phải có đủ sáu chữ ký bao gồm: chữ ký của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân, chữ ký người lập bảng, bác sĩ điều trị, kế toán viện phí, đại diện cơ sở y tế và chữ ký giám định viên BHXH. Nhưng nay chỉ còn bốn chữ ký đó là chữ ký của người lập bảng kê, của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân, kế toán viện phí và chữ ký giám định viên BHXH. Về việc một số bệnh viện (BV) yêu cầu bệnh nhân phôtô nhiều giấy tờ (giấy chuyển viện, thẻ BHYT, CMND…). Đây là thủ tục do yêu cầu quản lý của mỗi BV, Bộ Y tế không quy định thủ tục này. Hiện nay, Bộ Y tế đề nghị không yêu cầu bệnh nhân phôtô những giấy tờ như vậy, nếu BV cần cho mục đích quản lý của mình thì BV tự làm, không được thu tiền của bệnh nhân, không gây phiền hà cho người bệnh.

Được lợi khi mua theo hộ gia đình

. Một điểm mới là quy định mua BHYT theo hộ gia đình, những đối tượng này sẽ mua theo hình thức như thế nào?

+ Theo quy định của luật có năm nhóm đối tượng tham gia BHYT. Ngoài bốn nhóm: Do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng, những đối tượng còn lại thì sẽ xét vào nhóm tham gia theo hộ gia đình. Ví dụ nhà có năm người nhưng hai người tham gia theo hình thức cán bộ nhà nước thì còn ba người sẽ tham gia theo hình thức hộ gia đình. Người tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm trừ mức đóng cho các thành viên trong cùng hộ: Người thứ nhất đóng bằng mức quy định, người thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ sáu trở đi đóng bằng cố định là 40% mức đóng của người thứ nhất. Việc mua BHYT theo hộ gia đình, UBND xã sẽ lập danh sách tham gia theo hộ gia đình; lập danh sách, đăng ký tham gia chuyển cơ quan BHXH địa phương. Đặc biệt lần này không còn cơ chế tham gia theo cá nhân nữa, cả nhà phải tham gia mới phát hành được thẻ, trừ những hộ gia đình đơn thân.

. Xin cám ơn ông.

Phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Từ ngày 1-1-2015, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được quỹ BHYT thanh toán 100% thay vì phải đồng chi trả 5% như trước đây. Một số đối tượng như lực lượng quân đội, công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới sáu tuổi, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội... khi đi khám, chữa bệnh sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Đối với người bệnh có thời gian tham gia BHYT năm năm liên tục tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT tới thời điểm đi khám, chữa bệnh lũy kế trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở (tương đương 7 triệu đồng) - trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến - cũng sẽ được quỹ BHYT chi trả 100%. Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, người thuộc hộ cận nghèo sẽ được quỹ BHYT chi trả 95%.

Ngành y tế cũng quyết liệt chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh giảm bớt các thủ tục hành chính để giảm phiền hà cho người dân khi khám, chữa bệnh. Hiện nay thời gian để khám trung bình cho một lượt khám bệnh đã giảm được khoảng 50 phút. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở y tế phải tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử với người bệnh để làm hài lòng người bệnh. Bộ Y tế cũng quyết tâm xử lý nghiêm những sai phạm của y, bác sĩ thông qua việc kiểm tra, phản ánh qua đường dây nóng.

Bà TỐNG THỊ SONG HƯƠNG, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới