“Từ 1-1-2015, người thuộc hộ gia đình nghèo sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo phạm vi quyền lợi khi tự đi khám, chữa bệnh ngoại trú, nội trú tại các bệnh viện tuyến huyện; điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương. Điều này cũng được áp dụng với người sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo; người dân tộc thiểu số”. Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT thuộc BHXH Việt Nam, cho biết đây là một trong những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung (có hiệc lực từ 1-1-2015).
Lo cho người nghèo, người có công
Ngoài ra ông Phúc nêu thêm một số điểm mới khác, chẳng hạn về mức hưởng BHYT, người nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ được nâng từ 95% lên 100%. Thân nhân người có công còn lại, hộ cận nghèo được nâng từ 80% lên 95%.
Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT khi tham gia theo hộ gia đình theo hướng: Người thứ nhất đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Người dân đến khám BHYT tại TP.HCM. Ảnh: HTD
. Phóng viên: Mua BHYT tự nguyện theo hộ gia đình liệu có khả thi vì nếu người dân nói nhà tôi đông, không có khả năng mua hết. Thí dụ, nhà có sáu người nhưng chỉ mua ba người, vậy BHYT có bán?
+ Ông Lê Văn Phúc: Hiện nay theo quy định tại khoản 1 Điều 2 (sửa đổi, bổ sung Luật BHYT) thì BHYT là hình thức bắt buộc để chăm sóc sức khỏe cho người dân, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Do đó tham gia BHYT là nghĩa vụ của tất cả người dân.
Đồng thời, luật cũng quy định tất cả thành viên hộ gia đình (trừ các thành viên đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác) phải tham gia BHYT. Như vậy toàn bộ thành viên trong hộ gia đình phải tham gia.
Khắc phục việc trùng thẻ BHYT
. Trong những năm qua, việc in trùng thẻ BHYT là đáng báo động. Vì sao lại in trùng thẻ? Khắc phục ra sao?
+ Thời gian qua, qua kiểm tra chúng tôi thấy việc cấp trùng thẻ chủ yếu xảy ra đối với trẻ em dưới sáu tuổi, người nghèo, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, thân nhân của lực lượng vũ trang. Nguyên nhân là các văn bản hướng dẫn Luật BHYT, việc tổng hợp danh sách đối tượng cấp thẻ BHYT được thực hiện với nhiều đầu mối cơ quan, đơn vị khác nhau. Vì vậy BHXH Việt Nam đã có văn bản kiến nghị. Thứ nhất, giao UBND xã làm đầu mối để lập danh sách cấp thẻ BHYT cho đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng; đối tượng đóng theo hộ gia đình. Thứ hai, sớm triển khai cấp mã định danh công dân làm cơ sở để kết nối thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để các ngành, trong đó có hệ thống BHXH Việt Nam, dùng chung trong việc kiểm soát và cấp thẻ BHYT. Thứ ba, đề xuất thực hiện theo mô hình một cửa liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú/tạm trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới sáu tuổi để kịp thời có thẻ khám, chữa bệnh BHYT.
. Xin cám ơn ông.
Không thiếu các loại thuốc cho BHYT Pháp Luật TP.HCM cũng đã đặt câu hỏi với ông Phúc: Danh mục mới có 28 loại thuốc vốn được BHYT thanh toán 50%-100% chi phí cho người bệnh, nay theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung chỉ thanh toán cho người bệnh 30%-50% chi phí. Đây là các loại thuốc có chi phí lớn, dùng trong điều trị ung thư, viêm gan và viêm khớp, dự đoán sẽ gây khó khăn cho hàng vạn người bệnh trong việc tiếp cận thuốc mới. Vì sao giảm thanh toán? Có phải là nhằm tránh vỡ quỹ? Khi thực hiện vấn đề này, ngành y tế và BHXH có nghĩ đến gánh nặng của người dân không? Trường hợp nào thì được thanh toán 100%? Ông Lê Văn Phúc cho biết hiện nay ở nhiều nước phát triển trên thế giới, ví dụ như Pháp đang quy định tỉ lệ thanh toán đối với thuốc do quỹ BHYT thanh toán, bao gồm 100%, 70%, 50%, 30%. Các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan, danh mục thuốc BHYT chỉ bao gồm 200 hoạt chất… Việt Nam đang xây dựng danh mục thuốc BHYT có tham khảo tiêu chí của WHO và một số nước phát triển trên thế giới và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Vì vậy để đảm bảo công bằng cho các đối tượng tham gia BHYT, việc quy định tỉ lệ thanh toán hoàn toàn phù hợp. Cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành danh mục thuốc BHYT, bổ sung 44 thuốc mới, loại bỏ 118 hoạt chất do hiệu quả điều trị không rõ ràng, bị ngừng cấp số đăng ký, hiện không còn lưu hành trên thị trường... Nhìn chung danh mục thuốc BHYT lần này đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Số lượng hoạt chất có trong danh mục BHYT nhiều hơn gấp nhiều lần các nước phát triển và khu vực lân cận. Vì vậy người bệnh vẫn có nhiều thuốc trong danh mục để thay thế. Đảm bảo quản lý BHYT tại xã, phòng Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT trên địa bàn cho các đối tượng tham gia BHYT... Đồng thời, nơi đây cũng là cơ quan quản lý nhà nước về hộ khẩu; tổ chức việc đăng ký tạm trú, quản lý việc đi lại của người nước ngoài ở địa phương. Do đó việc nơi đây không có cán bộ y tế, BHXH chuyên trách không ảnh hưởng đến việc quản lý thông tin BHYT. Về giải pháp thực hiện lập danh sách tham gia BHYT trên địa bàn thì hiện nay BHXH Việt Nam đang xây dựng kế hoạch tập huấn, hướng dẫn việc lập danh sách tham gia BHYT trên địa bàn xã, phường, thị trấn đến từng UBND xã, phường, thị trấn. |