Ngay tại Hội nghị các bộ trưởng DN nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 ngày 15-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh: “Các DN nhỏ và vừa với trình độ công nghệ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng chính họ cũng là nhóm đối tượng năng động và dễ thích nghi nhất”.
Khẳng định này của Thủ tướng minh chứng một điều rằng: Cảm nhận những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng rõ ràng hơn, dù rằng nội hàm của cuộc cách mạng này không phải lúc nào cũng được diễn giải một cách chính xác và rõ ràng.
Nhưng có lẽ trong khi những thách thức của công nghiệp 4.0 vẫn có thể còn là điều khó định hình thì cộng đồng DN nhỏ và vừa nhiều năm qua vẫn đang chịu những tổn thương.
Đó là việc nhiều điều kiện kinh doanh vô lý khiến DN vừa tốn chi phí tuân thủ, vừa phải chịu gánh nặng chi phí ngoài luồng. Đó là việc “một chiếc bánh sôcôla cõng 13 giấy phép”. Đó là việc “nuôi gà 40 ngày mà giấy phép cho sản phẩm gà đông lạnh còn dài hơn thế”…
Còn rất nhiều những ví dụ tương tự như thế mà các diễn đàn, hội thảo đã nêu ra và Chính phủ đã ghi nhận rồi có giải pháp dứt khoát.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo quyết liệt như “không hình sự các quan hệ kinh tế”; “tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển”. Trong năm 2016, Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc rà soát các điều kiện kinh doanh đang kìm hãm DN phát triển. Đã có nhiều điều kiện vô lý được bãi bỏ và ngay cả danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng được Quốc hội điều chỉnh bằng một đạo luật.
Nhưng như vậy là chưa đủ! Hồi tháng 5-2017, trong cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nhân, cũng chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết tâm dành năm 2017 là năm “giảm phí cho DN”. Nhiều người hẳn còn nhớ những tràng pháo tay dài khi Thủ tướng tuyên bố đã ký chỉ thị về việc “không thanh tra, kiểm tra DN quá một lần/năm”. Và những định hướng này đang được thể hiện bằng việc tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh từ nay tới cuối năm 2017.
Có lẽ đây là một trong những hành động thiết thực nhất của Chính phủ để “giảm sự tổn thương” cho DN nhỏ và vừa. Bởi lẽ chỉ khi cắt bỏ được những tác nhân nội tại đang cản trở DN thì DN mới có thể đủ sức đề kháng trước ảnh hưởng khôn lường của cách mạng 4.0.