Trước đó, TAND quận Thanh Khê xử sơ thẩm đã chấp nhận cho chị L. và anh H. ly hôn, giao chị L. nuôi con gái nhỏ (ba tuổi), anh H. nuôi con trai lớn (sáu tuổi).
Tại phiên phúc thẩm, anh H. một mực cho rằng con gái theo mẹ, con trai theo cha là hợp tình hợp lý. Anh cam đoan sẽ yêu thương, nuôi dạy con tử tế.
Chị L. thì khóc cạn nước mắt, xin tòa cho nuôi cả hai con vì không muốn anh em phải sống xa nhau. Hơn nữa, cháu trai đang theo học tại một trường điểm ở Đà Nẵng, có điều kiện tốt để học tập, phát triển. Ở Đà Nẵng cháu còn có ông bà, mẹ và em, các cô dì... Trong khi đó, anh H. đã sống với vợ mới ở Khánh Hòa, có con với người này (chính vì người mới mà anh H. bỏ rơi chị ngay sau khi chị vừa sinh con gái được hai ngày và cương quyết ly hôn). Vợ mới của anh H. lại có ba người con riêng cùng sống chung...
Theo tòa phúc thẩm, cháu trai đang sống cùng mẹ rất tốt, cạnh cháu có nhiều người thân, chị L. cũng có mức thu nhập khá cao. Nếu giao cháu cho cha sẽ làm xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng tới sự phát triển về tâm sinh lý của cháu. Từ đó tòa đã tuyên như nêu trên.
“Tôi luôn nói con hãy ôm ba” Tòa vào nghị án, cháu trai sáu tuổi kháu khỉnh từ ngoài phòng xử chạy vào ôm mẹ. Nghe cha gọi, thấy mẹ cười gật đầu, cháu chạy qua ghế bên kia sà vào lòng cha, líu ríu kể cha nghe chuyện em gái đang tập nói bi bô. Nhìn con, chị L. chia sẻ: “Dù anh ấy bỏ tôi nhưng tôi sợ con hận ba, sẽ gieo trong lòng con những điều xấu nên tôi luôn giải thích để con hiểu rằng việc cha mẹ chia tay là điều không ai mong muốn. Tôi luôn nói con hãy ôm ba vì ba rất yêu con. Cách đây vài ngày, tôi cũng đưa con vào Khánh Hòa để thăm ba. Tôi nghĩ đổ vỡ là lỗi của người lớn mà con cái phải gánh hậu quả nên tôi muốn bù đắp cho con”. Khi phiên tòa kết thúc, chị L. cũng nhắc con qua ôm cha để chào ra về. |