TAND TP Tuy Hòa (Phú Yên) vừa xử sơ thẩm vụ tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn giữa anh H. và chị N.
Theo đơn khởi kiện của anh H., tháng 8-2017, TAND TP Tuy Hòa đã ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn giữa anh và chị N., giao con chung của anh chị là cháu A. (sinh tháng 9-2015, bị bệnh teo não bẩm sinh) cho chị N. trực tiếp nuôi dưỡng. Anh H. có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1 triệu đồng kể từ tháng 8-2017… và có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Tuy nhiên, kể từ khi có quyết định nói trên của tòa, chị N. bỏ đi làm ăn tại TP.HCM, không trực tiếp nuôi dưỡng cháu A. mà giao cháu cho mẹ ruột của chị nuôi dưỡng. Chị cũng không đưa cháu đi tái khám định kỳ bệnh teo não bẩm sinh theo hồ sơ bệnh án của bệnh viện, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu. Nhiều lần anh đến thăm con nhưng bị cha mẹ của chị N. cản trở và họ cũng không cho anh đưa con đi tái khám bệnh.
Theo anh H., đến nay anh đã có việc làm ổn định, thu nhập mỗi tháng 8 triệu đồng nên đủ điều kiện nuôi con. Vì thế anh yêu cầu tòa giao cháu A. cho anh nuôi dưỡng, không yêu cầu chị N. cấp dưỡng nuôi con.
TAND TP Tuy Hòa đã nhiều lần triệu tập hợp lệ chị N. để hòa giải nhưng chị N. vắng mặt nên tòa quyết định xét xử vắng mặt chị.
Tại phiên tòa sơ thẩm, anh H. vẫn giữ nguyên ý kiến như trong đơn khởi kiện.
Theo HĐXX, tòa đã xác minh và thấy nội dung vụ án đúng như trình bày của anh H. Theo hồ sơ bệnh án của BV Nhi đồng 2 TP.HCM, cháu A. được chẩn đoán, điều trị bệnh về não, cần phải tập vật lý trị liệu và tái khám hằng tháng. Mặc dù cháu A. chưa đủ 36 tháng tuổi nhưng kể từ khi quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự ngày 11-8-2017 của TAND TP Tuy Hòa có hiệu lực, trên thực tế chị N. làm việc, sinh sống tại TP.HCM, không trực tiếp nuôi dưỡng cháu A. mà giao cho mẹ ruột của mình nuôi dưỡng.
Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của cháu A. phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh H., tuyên giao cháu A. cho anh trực tiếp nuôi dưỡng, chị N. không phải cấp dưỡng nuôi con và có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.