Học trò tiểu học hào hứng tựu trường online

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-9, gần 700.000 học sinh (HS) bậc tiểu học ở TP.HCM đã có buổi làm quen với giáo viên (GV) để chuẩn bị cho năm học mới.

Mong chờ từ mấy hôm trước

“Sáng con dậy sớm, tự chọn bộ quần áo mình thích, tự vệ sinh cá nhân rồi nhanh chóng ngồi vào bàn, mở máy để chuẩn bị cho buổi làm quen với cô và các bạn. Con còn chuẩn bị sẵn tập nếu cô yêu cầu” - chị Đỗ Yến Hoa, phụ huynh có con học lớp 1 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, TP Thủ Đức, bày tỏ.

Học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, quận 12 (TP.HCM) trong buổi đầu làm quen với lớp. Ảnh: PHCC

Chị Hoa kể mấy hôm trước, khi chị thông báo con sắp được gặp cô và các bạn, con chị háo hức lắm, ngày nào cũng hỏi: “Sắp tới ngày học chưa mẹ?”.

Sau một thời gian ổn định, cô giáo chủ nhiệm chào phụ huynh, HS trước khi giới thiệu bản thân và trường lớp. Cô cũng thông báo về kế hoạch dạy học sắp tới. Sau khi trò chuyện với HS, cô gặp phụ huynh để trao đổi về việc học.

“Từ hôm nay đến 17-9, mỗi ngày cô sẽ làm quen với các con để giúp các con quen với môi trường mới, phương pháp học online. Từ ngày 20-9, con sẽ có một tuần ba buổi học toán, tiếng Việt vào thứ Hai, Ba, Năm. Còn các ngày thứ Tư, Sáu, GV sẽ gửi video các môn còn lại để phụ huynh hướng dẫn con học” - chị Hoa nói thêm.

Chị Tuyết Nhung, phụ huynh có con học lớp 2 Trường Tiểu học Thực hành Sài Gòn, quận 3, cho hay biết được gặp bạn bè, cô giáo nên mấy hôm rồi con chị trằn trọc không ngủ được. Suốt ngày con chị cứ hỏi bao giờ mới được đi học.

“Sau khi giới thiệu về bản thân, nội quy lớp học, GV chủ nhiệm cho các con tự giới thiệu về mình. Cô còn tổ chức trò chơi để tạo tính tương tác. Con thích thú nên chăm chú làm theo” - chị Nhung nói thêm.

Cô Thu Trang, GV Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo, quận 3, chia sẻ tối 8-9, cô mới họp phụ huynh để trao đổi về năm học mới, đồng thời làm quen với các em. “Đây là một năm học rất đặc biệt, cô trò gặp nhau qua màn hình máy vi tính nên tôi có chút hồi hộp và có phần háo hức vì sắp được gặp các em” - cô Trang nói thêm.

Theo cô Trang, lớp cô gồm 46 em. Các em còn quá nhỏ, lớp lại đông nên hôm nay cô sẽ tổ chức làm quen theo từng nhóm để dễ quản lý. Cô cũng đã chuẩn bị một số video và trò chơi để tạo hứng thú cho các em.

Trong khi đó, chị Đàm Thị Liên, phụ huynh có con học Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, quận 12, cho biết lớp của bé quá đông, lên tận 54 HS nên việc học online thi thoảng bị trục trặc. Nhiều phụ huynh báo tài khoản bị ra vô hoài, các con không tham gia đầy đủ thời gian.

“Thật sự nếu có thể thì nên tách lớp làm hai nhóm để cô trò dễ tương tác với nhau hơn. Lớp quá đông khiến GV khó quản lý, chưa kể nếu mạng yếu dễ bị out, nhiều phụ huynh phải nhập đi nhập lại mấy lần mới vô lớp được” - chị Liên cho hay.

Làm sao để trẻ thích thú với việc học?

Với HS tiểu học, việc dạy và học trực tuyến không hề đơn giản. Để hiệu quả, các trường tiểu học, GV đã có nhiều giải pháp để giúp HS dễ dàng tiếp thu kiến thức, đặc biệt là lớp 1.

Cô Trang cho hay dạy lớp 1 phải có trò chơi xen kẽ mới kích thích các em. Bên cạnh đó, ngoài việc dạy trên các phần mềm, sau khi buổi học kết thúc, GV cần gọi riêng cho từng phụ huynh để nắm tình hình học tập của các em. Mỗi ngày khoảng năm HS, chỉ sau một tuần GV có thể nắm rõ được mức độ tiếp thu của các HS để có sự điều chỉnh. GV cũng cần có một cuốn sổ ghi chép riêng để theo dõi sự tiến bộ của HS. “Với lớp học quá đông, tôi dự định sẽ chia thành hai nhóm để dạy. Như thế, tôi sẽ dễ dàng quán xuyến lớp học, các em cũng dễ tiếp thu hơn” - cô Trang nói.

Bà Trần Thị Hồng Ân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Định, quận 12, cho biết: “Trường sẽ bố trí mỗi tiết dạy khoảng 25-30 phút, bắt đầu từ 8 giờ. Sau mỗi 15 phút học, GV sẽ cho các em nghỉ giải lao hoặc thư giãn bằng các bài hát, vận động cho thoải mái. Và quan trọng hơn, phụ huynh phải phối hợp, hỗ trợ cùng GV hướng dẫn các em cùng học online ở nhà thì mới hiệu quả hơn”.

Nhiều trường hợp nhà đông anh em không đủ thiết bị để học hoặc không có thiết bị, bà Lê Thị Lùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Hiệp, huyện Củ Chi, cho hay hiện trường có nhiều gia đình chỉ có hai điện thoại thông minh nhưng có ba đứa con cùng học online. Do đó, trường yêu cầu GV linh động giờ dạy, không trùng nhau để các em đều có cơ hội tiếp cận. Có một số em ở với ông bà, không có thiết bị học, GV sẽ nhờ dân quân tự vệ đem bài đến cho các em. Bên cạnh đó, GV sẽ trực tiếp gọi điện thoại hướng dẫn các em học” - bà Lùng nói thêm.

Ông Dương Trần Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, chia sẻ đối với lớp 1, GV phải có nhiều bước làm quen so với các lớp khác. Ngoài ra, GV cũng phải chuẩn bị sẵn nhiều trò chơi để giúp các em thích thú với việc học. Với lớp 1, nhà trường chú trọng tạo tâm thế cho các em bước vào môi trường học mới một cách thích thú và cho làm quen một số nét cơ bản.•

Dạy học qua truyền hình

Ngoài học online, hiện Sở GD&ĐT cũng đã làm việc với Đài Truyền hình TP.HCM để ghi hình các tiết dạy, chọn lựa GV có kinh nghiệm giảng dạy lớp 1, lớp 2. Theo kế hoạch, các chương trình sẽ được phát vào giữa tháng 9, trước khi các em bắt đầu chương trình thực học vào ngày 20-9.

Giáo viên vất vả... đi tìm học sinh
Giáo viên vất vả... đi tìm học sinh
(PLO)- Dịch bệnh kéo dài, công tác tuyển sinh gặp khó, các trường tiểu học đang khẩn trương liên hệ với phụ huynh, đặc biệt phụ huynh lớp 1 để chuẩn bị cho năm học mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm