Giao nhầm rừng cho "lâm tặc" - Bài 1: Được giao dự án, bèn giết rừng!

Để bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng thông ở Lâm Đồng, tỉnh đã giao đất, giao rừng cho hàng loạt doanh nghiệp (DN) để họ thực hiện dự án “quản lý, khai thác, bảo vệ rừng”. Tuy nhiên, nghịch lý là sau khi nhận đất, rừng thì các DN thành những kẻ tàn phá, hủy hoại rừng nhiều nhất.

Đến thời điểm hiện nay, nhiều dự án quản lý - khai thác - bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được cấp phép hoạt động thì đã có hàng trăm hecta rừng ở địa phương này bị bức tử.

Dãy rừng thông dọc tuyến đường ĐT 723, đoạn thuộc địa bàn huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vài năm trước xanh ngút ngàn giờ bỗng xác xơ như vừa trải qua trận chiến. Cuối tháng 9-2011, khi dừng chân ở các cánh rừng thuộc địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, chúng tôi ngỡ ngàng vì không thể đếm xuể số gốc thông xanh bị đốn hạ cũng như số cây thông bị ken gốc (cứa vòng tròn quanh gốc) chết dần trong héo khô. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm 2011 đến nay tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng dọc theo tuyến đường ĐT 723 diễn ra rất phức tạp.

“Nhà nước giao đất, giao rừng cho DN để thực hiện dự án bảo vệ rừng nhưng rừng không được bảo vệ mà bị tàn phá nhiều hơn” - ông Võ Văn Dũng, làm nghề trồng rau ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, nói. 

 Giao nhầm rừng cho "lâm tặc" - Bài 1: Được giao dự án, bèn giết rừng! ảnh 1

Một đồi thông dọc đường ĐT 723 bị ken gốc chết khô, phải đốn hạ. Ảnh: KB-MP

Qua tài liệu chúng tôi thu thập được, tình trạng phá rừng ở các dự án quản lý, khai thác, bảo vệ rừng ở tỉnh Lâm Đồng rất phổ biến.

Vụ phá rừng có quy mô lớn gần nhất ngày 17-9 tại tiểu khu 144B (phường 8, TP Đà Lạt), thuộc phần rừng phòng hộ và cảnh quan môi trường do Công ty TNHH Thùy Dương quản lý là ví dụ. Vào thời điểm trên, đoàn kiểm tra do Hạt Kiểm lâm TP Đà Lạt chủ trì đã phát hiện hành vi dùng xe cơ giới san ủi, phá rừng trái pháp luật. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra phát hiện có bốn xe đào, hai xe ủi và hai xe mô tô được cất giấu. Có khoảng 23 cây thông lớn bị đốn hạ, hai cây thông bị ken gốc cho chết khô. Tổng diện tích rừng san ủi trái phép được đoàn kiểm tra xác định hơn 5.100 m2. Theo xác định ban đầu, hai đối tượng Bùi Văn Minh và Nguyễn Ngọc Hùng là chủ sở hữu sáu xe cơ giới trên đồng thời cũng là người tổ chức san ủi, phá rừng trái phép. Hiện vụ việc đang được Công an TP Đà Lạt thụ lý để điều tra mở rộng.

Theo ghi nhận, hiện các khu rừng ở huyện Lạc Dương do DN quản lý thường xảy ra hiện tượng thông chết khô hàng loạt. Vụ ken gốc, giết thông với quy mô lớn được phát hiện gần đây nhất xảy ra tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương thuộc phần rừng do Công ty TNHH Thành Văn quản lý. Số thông bị ken gốc cho chết khô được phát hiện là 394 cây, thiệt hại ước tính hơn 2 tỉ đồng.

“Thông rất dễ chết nên các đối tượng phá rừng thường giở chiêu ken gốc, thế là thông sẽ chết khô” - một cán bộ kiểm lâm nói.

Nhan nhản doanh nghiệp phá rừng

Ở huyện Đạ Tẻh có hàng loạt DN phá rừng, chặt cây rừng vượt phạm vi cho phép, như Công ty TNHH Dương Hiếu, Công ty TNHH Đỉnh Thuận, Công ty Toàn Xá, Công ty Cổ phần Cao su Đạ Tẻh, Công ty TNHH Bảy Chín, Công ty TNHH Hoàng Minh Hồng, Công ty TNHH Hoàng Thịnh.

Đặc biệt, nhiều cánh rừng trong phạm vi quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh đã bị tàn phá, khai thác trái phép: các tiểu khu 565 ở xã Đạ Pal, Triệu Hải bị chặt lấy đi trên 41 m3 gỗ; toàn bộ 100 ha rừng trung bình, rừng giàu tại tiểu khu 525, 538 (xã Quốc Oai) đã bị khai thác hết cây gỗ lớn, cây gỗ có giá trị.

Những người phá rừng còn dùng cả xe ủi, ô tô vào rừng khai thác gỗ trái phép.

______________________________________

500 dự án (làm tròn) với trên 93.000 ha đất rừng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận đầu tư đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp. Tuy nhiên, có đến 427 vụ phá rừng với diện tích hơn 174 ha trong bảy tháng đầu năm 2011 ở huyện Lạc Dương, Đạ Lâm, Đạ Tẻh, Lâm Hà…

Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nhìn nhận: Công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các DN được thuê đất, thuê rừng vẫn còn nhiều bất cập. Việc phá đất, chặt phá, ken cây, lấn chiếm đất rừng khá gay gắt với tính chất và mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp mà hiện chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

36.461 vụ chặt phá rừng làm mất 19.380 ha đất rừng và 100.000 m3 gỗ từ năm 2006-2010 trong cả nước.

Chúng tôi đi đến đâu cũng thấy rừng càng ngày càng bị thu hẹp. Do đó phải khẳng định là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đang bị thu hẹp.

Chủ nhiệm Ủy ban An ninh-Quốc phòng
của QH NGUYỄN KIM KHOA

KHANG BÁCH - MINH PHONG

Kỳ tới: Chiếm đất, phá rừng để sang bán

Các dự án bảo vệ, phát triển rừng chỉ là vỏ bọc cho việc phá rừng, sang nhượng dự án. Các doanh nghiệp nào nào trong “danh sách đen”?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm