GIAO NHẦM RỪNG CHO “LÂM TẶC” - BÀI 3

Sẽ thu hồi ba "dự án phá rừng"

Trên các số báo trước chúng tôi nêu một nghịch lý tại Lâm Đồng: Hàng loạt doanh nghiệp (DN) sau khi nhận đất, rừng để bảo vệ lại hủy hoại rừng bằng nhiều thủ đoạn. Các cơ quan chức năng đều biết nhưng chẳng lẽ bó tay với vấn nạn này?

DN “thoắt ẩn thoắt hiện”

Theo nhận định của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, trong công tác quản lý và bảo vệ rừng ở các dự án trên địa bàn tỉnh, hầu hết DN thực hiện không đúng phương án đã được phê duyệt và chưa đầu tư đúng mức cho công tác này.

Một cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết hiện nay hồ sơ liên quan đến các dự án hiện vẫn chưa nộp đầy đủ tại các địa phương nên việc kiểm tra theo dõi gặp rất nhiều khó khăn. Chưa hết, văn phòng đại diện, địa chỉ liên lạc, số điện thoại liên lạc của các chủ DN cũng thường xuyên thay đổi nên việc liên hệ, phối hợp với chủ dự án cũng rất khó thực hiện.

Tháng 8-2010, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Lâm Đồng kiểm tra dự án ở các huyện Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lâm, Đam Rông, Đức Trọng… thì chỉ 63/137 chủ DN tham dự. “Trước khi kiểm tra, UBND các huyện đã gửi giấy mời cho DN nhưng họ vẫn không đến” - một thành viên đoàn kiểm tra cho biết.

Cũng trong đợt kiểm tra nói trên, khảo sát 46 dự án thì có đến 34 dự án vẫn để xảy ra tình trạng phá rừng, ken cây, khai thác lâm sản và lấn chiếm đất rừng. Có chủ dự án để người dân vào phá rừng, chiếm đất rồi lại đi thỏa thuận với dân lấy đất lấn chiếm trái phép để trồng cao su, chẳng hạn như Công ty TNHH Minh Đức ở huyện Đam Rông. “Việc phối hợp trong các công tác bảo vệ rừng giữa các chủ dự án với chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng chưa được quan tâm” - văn bản của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận.

Sẽ thu hồi ba "dự án phá rừng" ảnh 1

Những cây thông trong một dự án được DN nhận quản lý, khai thác bị đốn hạ. Ảnh: MP - KB

Sẽ thu hồi ba "dự án phá rừng" ảnh 2

Rừng bị phá nhưng không ai yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ảnh: MP - KB

Sẽ thu hồi ba dự án

Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đã kiến nghị UBND chỉ đạo, hướng dẫn, ban hành các quy định cụ thể để xử lý các DN thuê đất, thuê rừng nhưng để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất và khai thác lâm sản trái phép. Hiện có hàng loạt DN vi phạm nhưng trước mắt, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh thu hồi ba dự án.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Quốc An (dự án tại huyện Đức Trọng) được cấp phép đầu tư từ giữa năm 2008 nhưng đến năm 2009 vẫn không triển khai đầu tư, để rừng bị tàn phá, đất đai bị lấn chiếm. Huyện Đức Trọng đã cưỡng chế, giải tỏa diện tích đất lấn chiếm cho công ty nhưng đất rừng lại tiếp tục bị lấn chiếm. Đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.

Công ty TNHH MT DV Phú Châu (huyện Di Linh) cũng được cấp phép đầu tư từ giữa năm 2008 nhưng đến nay dự án chưa “rục rịch”, đất rừng bị lấn chiếm tràn lan.

Công ty TNHH Nghĩa Phước (TP Bảo Lộc) được cấp phép hoạt động từ tháng 7-2008 nhưng đến nay tại phần rừng do công ty này quản lý vẫn không có người bảo vệ. Địa chỉ của công ty lại thay đổi liên tục. Hạt Kiểm lâm TP Bảo Lộc đã nhiều lần mời đến làm việc nhưng DN không chấp hành. Tháng 10-2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu đến cuối năm 2010 DN phải thực hiện đúng nội dung, tiến độ dự án nếu không sẽ thu hồi.

Chúng tôi liên hệ với các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN&PTNT để đặt vấn đề về nạn phá rừng, nhất là rừng thông mà tỉnh đã giao cho các DN nhưng không nhận được ý kiến phản hồi. Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ ngắn gọn: Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chỉ đạo cụ thể đối với các đơn vị liên quan rà soát, chấn chỉnh, thu hồi những dự án không triển khai hoặc triển khai không đúng mục đích.

Có quy định nhưng chưa mặn thực hiện

Nói về rừng, giá trị về lâm sản là dễ nhận thấy và hiện nay, giá trị của rừng hầu như mới chỉ được biết đến như là nơi cung cấp sản phẩm sử dụng trực tiếp (gỗ và lâm sản ngoài gỗ). Phần giá trị này chỉ là một phần giá trị nhỏ trong tổng giá trị của rừng. Thực tế, rừng đã tạo ra những lợi ích kinh tế vượt xa các giá trị hữu hình đang được buôn bán trên thị trường nhưng chúng chưa được (hoặc cố tình) đánh giá đầy đủ. Vì thế, nhiều dự án rừng bị phá, gây thiệt hại nhưng hiếm hoi lắm mới có trường hợp bị yêu cầu bồi thường và cũng chỉ dừng lại ở giá trị về lâm sản mà thôi.

Trở lại chuyện giao rừng cho các DN. Đây là chủ trương để bảo vệ, phát triển rừng. Vấn đề là cách thực hiện: Khi giao rừng phải kèm theo những “giao kèo” pháp lý rõ ràng để ràng buộc trách nhiệm các cá nhân, tổ chức nhận rừng. Trong đó đặc biệt chú trọng đến nghĩa vụ bồi thường những thiệt hại về giá trị môi trường và dịch vụ rừng khi có hành vi xâm hại. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả khi giao rừng cho DN.

MINH PHONG

KHANG BÁCH - MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm