Giao nhầm rừng cho "lâm tặc" - Bài 2: Chiếm đất, phá rừng để sang bán

Cuối tháng 9-2011, đi trên tuyến đường ĐT 723 (nối liền Đà Lạt với Nha Trang) đoạn đi qua huyện Lạc Dương, chúng tôi ghi nhận cảnh hàng trăm hecta rừng thông dọc hai bên đường khô lá, chết đứng.

Chặt hạ gỗ và rao bán đất rừng

Huyện Lạc Dương nằm giáp ranh với TP Đà Lạt là một điểm nóng về phá rừng, đặc biệt rừng thông “đặc sản” của Lâm Đồng đang bị triệt hạ không thương tiếc. Ở huyện này hiện có trên 80 dự án được giao cho thuê đất, thuê rừng, cấp phép đầu tư vào du lịch, lâm nghiệp, chăn nuôi… với tổng diện tích gần 8.400 ha đất rừng. Nhưng chỉ qua kiểm tra 41 dự án trên địa bàn, tổ công các của huyện Lạc Dương phát hiện có trên 36 ha đất rừng bị lấn chiếm và trên 160 m3 gỗ bị chặt hạ.

Ông Võ Văn Dũng, nguyên là một cán bộ quân đội, người từng nhiều lần gửi đơn tố cáo nạn phá rừng (bài trước chúng tôi đã đề cập) nói: “Từ ngày tuyến đường ĐT 723 mở ra, nhiều dự án kinh tế, du lịch, sản xuất công nghệ cao cũng ra đời. Nhưng đi kèm với sự thuận lợi thì diện tích rừng cũng giảm đi đáng kể. Điều đáng nói là những người được giao quản lý, khai thác và bảo vệ rừng lại là những kẻ tàn phá, hủy hoại rừng nhiều nhất”.

Tuyến đường 723 khai thông cũng là lúc vùng đất ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương trở thành một khu vực đắc địa. Thêm vào đó, trước thông tin mở rộng TP Đà Lạt thì giá đất tại xã Đạ Sar không ngừng tăng cao và tình trạng sang bán đất rừng cũng nóng theo từng ngày. Nhiều doanh nghiệp với vỏ bọc “quản lý - khai thác - bảo vệ rừng” đã công khai phá rừng, san ủi mặt bằng trái phép để rao bán đất. Nhiều hecta rừng thông của rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim trở thành đồi trọc.

 Giao nhầm rừng cho "lâm tặc" - Bài 2: Chiếm đất, phá rừng để sang bán ảnh 1

Được giao rừng, nhiều doanh nghiệp đã dùng nhiều cách chặt cây rừng, lấn đất. Ảnh: MP - KB

Theo Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, tình trạng vi phạm trong việc bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tăng và phần lớn rơi vào diện tích rừng đã giao cho các doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư. Nhiều chủ dự án không chỉ để rừng bị phá, lấn chiếm trái phép mà còn trực tiếp phá rừng và khai thác lâm sản trái phép.

Báo cáo của UBND huyện Lạc Dương còn cho thấy hầu hết các dự án “quản lý - khai thác - bảo vệ rừng” đều trong tình trạng không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, chậm tiến độ theo cam kết. Nhiều dự án đã không triển khai theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có dấu hiệu đầu cơ, tìm đối tác sang bán hưởng lợi.

Kiểm lâm tiếp tay?

Không chỉ ở Lạc Dương mà các huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm cũng là những điểm nóng về nạn phá rừng.

Tại các địa phương trên, chính quyền đã thực hiện chủ trương xã hội hóa việc bảo vệ rừng bằng việc giao rừng cho doanh nghiệp quản lý để hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy. Tuy nhiên, ở các khu rừng này, ngoài việc để xảy ra tình trạng phá rừng thì các chủ rừng còn “tranh thủ” chặt cây rừng ngoài diện tích cho phép, lấn đất rừng. Điển hình Công ty Hoàng Thịnh (huyện Đạ Tẻh) khai thác ngoài diện tích 70 ha, Công ty TNHH Hương Vĩnh Phát (huyện Đạ Tẻh) “lấn” thêm đất rừng hơn 8,8 ha… Ngoài ra, các công ty TNHH Đỉnh Thuận, Toàn Xá, Công ty Cổ phần Cao su Đạ Tẻh khai thác gỗ tận thu vượt khối lượng theo giấy phép.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, công tác quản lý bảo vệ rừng thời gian qua của chính quyền, các cơ quan chuyên môn và các chủ rừng trên Đạ Tẻh kém hiệu quả, để rừng bị phá, bị khai thác gỗ trái phép xảy ra rầm rộ ở hầu hết các khu rừng trên địa bàn. Các cơ quan này đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời nạn phá rừng, khai thác gỗ, chế biến lâm sản trái phép trên địa bàn. Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh không kịp thời phát hiện việc “tranh thủ” khai thác gỗ vượt khối lượng, lấn đất rừng, khai thác vào diện tích rừng phải bảo vệ. Mặt khác, đơn vị này còn có sai sót như kiểm tra, xác nhận sai gỗ chính phẩm với gỗ cành, ngọn và đóng cả búa kiểm lâm cho gỗ ngoài khu cho phép khai thác.

“Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở các dự án ngoài việc một số cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng thiếu trách nhiệm, có tư tưởng tiêu cực thì cũng có một số cán bộ thông đồng, tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng” - Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận.

“Giao trứng cho ác”

Nằm cạnh căn nhà đội quản lý bảo vệ rừng của nhiều công ty được duyệt dự án để bảo vệ rừng ở huyện Lạc Dương là cảnh hoang tàn của cánh rừng trồng 10 năm tuổi. Hàng trăm cây thông chỉ còn trơ gốc, thân nằm sắp lớp dưới khe sâu. Đi sâu theo vào bên trong, những cây thông có đường kính 40-60 cm với trữ lượng gỗ ước tính hàng trăm mét khối nằm ngổn ngang.

Ngày đêm người ta lén lút di chuyển số gỗ đã đốn hạ đi nơi khác để phi tang, đồng thời hối hả đào hố trồng cà phê để xóa đi vết tích và hợp thức hóa cho khu đất. Với phương thức này, hàng chục hecta đất rừng đã biến mất và tài sản của Nhà nước, của xã hội đã trở thành tài sản cá nhân.

Hóa ra việc làm ăn, khai thác (kết hợp bảo vệ rừng theo mục tiêu đề ra) là quá khó với những đơn vị không có năng lực. Có nhiều dự án lớn đã được giao từ ba, bốn năm qua mà không triển khai được bất kỳ mô hình sản xuất nào, không một ai bảo vệ, trông coi thì sao mà rừng tồn tại được!

Chưa kể có nhiều doanh nghiệp núp bóng quản lý, bảo vệ rừng để tạo vỏ bọc, cắt bán dần đất rừng dự án. Thực tế, nhiều dự án đã bị xé lẻ thành sáu đến bảy người “khai thác rừng”.

Các cơ quan chức năng cần dũng cảm nhìn nhận những thiếu sót trong quản lý, giám sát và cần kiểm tra lại toàn diện các dự án “quản lý - khai thác - bảo vệ rừng” để sửa sai. Nếu đã trót một lần “giao trứng cho ác” thì càng nên cân nhắc “chọn mặt gửi vàng”, giao đúng rừng cho những người có đủ trình độ, năng lực và cả tâm huyết với rừng.

Là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cao nguyên với ký ức về những mảng rừng xanh bạt ngàn, tôi thiết tha đề nghị mỗi người chúng ta cùng góp một bàn tay nhỏ bé vá lại “lá phổi xanh” mà hằng ngày nhiều người đang tâm xé nát!

VÕ VĂN DŨNG (Đà Lạt)

____________________________________

Chủ trương thu hút các dự án đầu tư trồng rừng, trồng cao su và các loại cây khác trên địa bàn đã góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng rừng và đất nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án còn nhiều bất cập. Nhiều dự án triển khai chậm mà một trong những nguyên nhân chính là một số doanh nghiệp không có tâm huyết, chỉ nhận dự án rồi triển khai cầm chừng để chờ sang nhượng lại với nhiều hình thức.

Ông LÊ VĂN MINH, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng

Ngày trước chúng ta vào rừng khó khăn vì rừng rậm, dày đặc. Bây giờ, nhiều nơi không còn rừng nữa. Tôi đi giám sát, quay lại những cánh rừng trước đây thì 100% không còn rừng. Tất cả những chỗ tôi đã sống và đã đi qua, nhất là Tây Nguyên, diện tích rừng đang giảm.

Ông KSO PHƯỚC, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

MINH PHONG - KHANG BÁCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm