Nội dung đề từ đầu đến cuối ngang ngang nhau, cách ra đề hai năm nay cực kỳ cơ bản, không ứng dụng được cái hay của những đề dạng so sánh trước đây để kích thích tư duy của HS.
Nếu như năm ngoái đề yêu cầu phân tích một đoạn truyện thì nay phân tích tình huống truyện, không thấy có sự đổi mới. Ngay cả ngữ liệu phần đọc hiểu nói về cuộc sống ngoài khung cửa nhà bạn cũng là đề đọc hiểu mà TP.HCM cho HS thi thử từ năm ngoái. Nên HS tại TP.HCM sẽ không có gì bất ngờ.
Cô Minh Ngọc nhận xét: Nếu cứ ra đề như thế này thì lâu dần sẽ thành lối mòn cho cả người học lẫn người chấm. "Chúng tôi rất thất vọng khi mong chờ điều gì đó mới từ đề văn năm nay nhưng hóa lại thành an toàn và lối mòn quá. Tại sao bao vấn đề hay, đầy tính thời sự thời gian qua lại không được sử dụng, như viết về những người lính phi công đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ... Nó sẽ rất giá trị để HS cảm nhận".
"Giáo viên đang rất nỗ lực để đổi mới trong giảng dạy nên rất cần sự đổi mới cách ra đề chứ không cơ bản và an toàn như thế này" - cô Minh Ngọc nói.
Thí sinh tại điểm thi Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.HCM bàn luận về đề thi văn. Ảnh: Phạm Anh
Thầy Nguyễn Đức Hùng, giáo viên môn ngữ văn Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi Nguyễn Thượng Hiền, cho biết: Đề thi gồm hai phần đọc hiểu (tám câu) và nghị luận văn học (hai câu). Về cấu trúc, đề giống đề thi THPT năm 2015.
Theo thầy Hùng, trong phần đọc hiểu (câu 1) trích thơ của Lưu Quang Vũ và câu 4 trích đoạn văn bản nước ngoài nằm trong chương trình ngữ văn lớp 11, trong đó tập trung đề cao lòng tự tôn dân tộc và niềm tự hào về tiếng Việt. Đáng lưu ý, hai câu 4 và 8 đòi hỏi học sinh phải có cảm thụ. Hai câu này dành cho thí sinh có tâm hồn sâu sắc, hiểu biết rộng, bởi vì nó thuộc về dạng vận dụng tư duy cao.
Về phần Nghị luận xã hội, câu 1 trích danh ngôn nhưng không có tác giả, không trích nguồn, nội dung đề cập đến sự hèn nhát và dũng khí. Câu này không quá khó đối với mục tiêu xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xét tuyển đại học, đòi hỏi thí sinh phải phân tích, lập luận chặt chẽ, thí sinh phải biết lựa chọn những điểm hợp lý, đồng thời phải đưa ra lý lẽ dẫn chứng thuyết phục, tránh lan man. Đây cũng là câu có giá trị giáo dục rất cao.
Tương tự, câu 2 (phần Nghị luận xã hội) với chủ đề hiện thực nhân đạo qua truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Câu hỏi xoay quanh hai tình huống ‘nhặt vợ’ và đón cô dâu mới. Tuy nhiên, đề yêu cầu là phân tích tình huống nhưng không xác định cụ thể tình huống. Do vậy, trong câu này sẽ một số thí sinh không đọc kỹ đề sẽ bỏ quên tình huống đón cô dâu mới. Câu này đòi phân tích, chứng minh, nhận định vẽ đẹp tình người và khát vọng sống. Vì vậy khi phân tích, chứng minh, học sinh phải biết quy nạp về chủ đề, khái niệm nhân đạo trong tác phẩm, trong đó cần lưu ý vai trò tình huống truyện trong tác phẩm.
Thầy Hùng nhận định với đề thi này thí sinh trung bình đạt 4 điểm, học sinh khá đạt 5-7 điểm, học sinh khá giỏi đạt 7-8 điểm. “Với đề thi này có sự phân hóa để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học không cao. Trong đó chỉ có hai câu 4 và 8 có sự phân hóa để xét đại học, những câu còn lại thí sinh khá dễ kiếm điểm xét tuyển tốt nghiệp. Phổ điểm phổ biến của môn ngữ văn giao động từ 6-7 điểm", thầy Hùng phân tích.
Các thí sinh tại điểm thi Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội. Ảnh: Phi Hùng
Trong khi đó, thầy Huỳnh Văn Thế, giáo viên dạy Ngữ Văn của Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long, lại cho rằng đề thi có tính phân hóa rõ dù những vấn đề đề cập trong đề thi đều không mới nhưng đòi hỏi khả năng vận dụng cao ở học sinh. Mức độ trung bình 5 điểm không phải dễ đạt.
Phần đọc hiểu đề cập đến vấn đề giữ gìn tiếng Việt (đã học nhiều ở cơ sở và phổ thông), về lối sống (đoạn văn nằm ngay trong SGK11). Mức độ thông hiểu và vận dụng ở câu 3, 4, 7, 8. Học sinh cũng lưu ý, ở câu 4 và câu 8 phần đọc hiểu, đòi hỏi học sinh phải đạt cả hai yêu cầu kiến thức và kỹ năng (bàn đúng vấn đề, hình thức đoạn văn đúng dung lượng, không mắc các lỗi diễn đạt dùng từ đặt câu).
Phần làm văn, ở câu nghị luận xã hội đề cập đến phẩm chất/tính cách con người (sự hèn nhát, dũng khí). HS nắm kỹ năng đọc hiểu và kỹ năng hành văn nghị luận xã hội là làm được. Phần nghị luận xã hội tránh nêu ví dụ chung chung, phải nêu bài học bản thân/cách luyện rèn bản thân.
Riêng ở câu nghị luận văn học, đề văn bình luận về một ý kiến sau khi phân tích tình huống truyện trong tác phẩm “Vợ nhặt”. HS phải biết giải thích “tình huống bất thường”, “khát vọng bình thường mà chính đáng”. Trong quá trình phân tích HS phải bám vào hai cụm từ này. Khi bình luận, phải biết khẳng định tài năng xây dựng tình huống và đồng cảm của nhà văn với con người trong nạn đói. Nói chung, câu này khó.
Khó ở cách HS phải biết cách triển khai ý, nắm vững dẫn chứng, biết bình luận câu nói. Thông thường, HS chỉ chú ý/hoặc mới kịp phân tích tình huống (làm được điều này cũng đã khó), đạt được bình luận thường là HS giỏi. Đề thi không đánh đố, đòi hỏi suy luận. Đề thi ít nhận biết, mức độ thông hiểu và vận dụng cao, nhất là ở câu làm văn.