Giấy chuyển viện: Số hóa càng sớm càng tốt!

(PLO)- Theo các chuyên gia y tế nên số hóa thủ tục chuyển viện để việc điều trị cho bệnh nhân được nhanh gọn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Để chuyển viện nhanh chóng và thuận tiện nhất cho bệnh nhân, các bệnh viện (BV) có thể thông qua hình thức hồ sơ điện tử để đơn giản thủ tục hành chính, đồng thời liên thông được thông tin giữa các cơ sở khám chữa bệnh (KCB)” - TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, đề xuất.

Giấy chuyển viện nên được số hóa

Tuy nhiên, để triển khai liên thông được như trên, BS Tuấn cho rằng cần phải có hệ thống hạ tầng về công nghệ thông tin đồng bộ giữa các cơ sở KCB, đảm bảo được yêu cầu bí mật thông tin cho bệnh nhân.

BS Phạm Nguyên Huân, Phó Giám đốc BV Mắt TP.HCM, cũng đồng tình khi nêu ý kiến muốn chuyển viện nhanh, đúng quy định cần ứng dụng chuyển đổi số. Sự liên thông giữa các cơ sở KCB sẽ cho phép BV xem được các thông tin về xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân tuyến trước, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

“Ngoài ra, các nước phát triển có hệ thống y học gia đình, phòng khám để sàng lọc, phân loại trước chuyển tuyến. Muốn làm được vậy, mạng lưới BS gia đình, y tế cơ sở ở Việt Nam phải được chú trọng phát triển, đầu tư nhiều hơn” - BS Huân nêu quan điểm.

chuyển viện
Nhiều ý kiến cho rằng nên số hóa giấy chuyển viện. Trong ảnh: Sử dụng CCCD có gắn chip để đăng ký khám chữa bệnh là một trong những cải tiến của các BV trong chuyển đổi số. Ảnh: TRẦN NGỌC

Theo TS-BS Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV quận 11, để thủ tục chuyển viện không bị rườm rà, các BV phải xây dựng và ban hành quy trình chuyển tuyến cho phù hợp với hoạt động thực tế của mình. Đơn giản hóa, số hóa thủ tục hành chính, tránh để giấy chuyển viện là rào cản với bệnh nhân.

Từ năm 2014, bệnh nhân phải chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên một cách tuần tự. Nhưng từ năm 2016 đã được thông tuyến ở cấp huyện và từ năm 2021 đã thông tuyến toàn tỉnh.

Tương tự, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, cho hay việc cần thiết chính là làm sao liên thông thông tin giữa các cơ sở y tế thông qua cổng thông tin BHYT. Lúc này, giấy chuyển viện sau khi nơi chuyển đi được gửi và chấp thuận tại nơi chuyển đến, đồng thời với đó là thông báo cho bệnh nhân qua cổng thông tin BHYT, rất thuận lợi.

Còn theo TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, tới đây, khi có bệnh án điện tử, việc chuyển hồ sơ bệnh án giữa các cơ sở KCB cũng như làm thủ tục chuyển viện sẽ nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều.

Tránh vỡ Quỹ BHYT cục bộ

BS Tuấn nhấn mạnh vai trò của giấy chuyển viện rất rõ ràng. Giấy chuyển viện cung cấp một số thông tin quan trọng như tình trạng bệnh nhân, kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng và thông tin các thuốc, phương pháp thủ thuật, kỹ thuật đã sử dụng cho bệnh nhân ở tuyến trước.

“Các thông tin này rất quan trọng khi tiếp nhận bệnh nhân ban đầu tại BV tuyến trên hoặc khi bệnh nhân được chuyển về tuyến dưới. Các kết quả xét nghiệm ghi trong giấy là căn cứ để có thể xem xét cần hoặc không cần thực hiện lại, giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và xã hội” - BS Tuấn giải thích.

Theo BS Huân, giấy chuyển viện ngoài có ý nghĩa quan trọng về mặt chuyên môn còn có ý nghĩa về mặt pháp lý, kinh tế, các hình thức chuyển viện (theo phân tuyến vì các tuyến được chi trả BHYT theo mức độ khác nhau, cũng như mức điều trị khác nhau).

w-P12_bai_chuyendoiso2.jpg
Bệnh nhân đang chờ lấy thuốc BHYT tại BV quận 4, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Để đảm bảo các BV tuyến trên, tuyến cuối không bị quá tải do bệnh nhân quá đông, việc chuyển tuyến là cần thiết và giấy chuyển viện đóng vai trò không thể thiếu” - BS Huân nói.

TS-BS Dũng, Giám đốc BV quận 11, cũng đồng tình khi cho hay giấy chuyển viện rất cần thiết. Khi bệnh nhân chuyển tuyến, thông tin trong giấy sẽ cung cấp về tình trạng, tiền sử bệnh, quá trình điều trị cũng như hồ sơ bệnh án giúp cho BV tuyến sau điều trị hiệu quả. Từ đó giảm quá tải tuyến trên, tránh vỡ Quỹ BHYT cục bộ.

“Hoạt động y tế phải được sắp xếp có trật tự, đảm bảo hệ thống y tế quốc gia được thông suốt. Các nước trên thế giới đều sử dụng giấy chuyển viện, ngay cả ở những nước phát triển như Mỹ, Canada… cũng vẫn dùng” - TS-BS Dũng thông tin thêm.

Giá khám bệnh BHYT mới từ ngày 17-11-2023

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 22/2023 ngày 17-11-2023 quy định giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trong toàn quốc, hướng dẫn áp dụng thanh toán chi phí KCB BHYT trong một số trường hợp. Thông tư có hiệu lực từ ngày 17-11-2023.

Ban hành kèm theo thông tư là phụ lục về giá dịch vụ KCB, giá ngày giường, giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm.

Theo đó, giá dịch vụ KCB BHYT tại BV hạng đặc biệt, hạng I là 42.100 đồng (giá cũ là 38.700 đồng), BV hạng II là 37.500 đồng (giá cũ là 34.500 đồng), BV hạng III là 33.200 đồng (giá cũ là 30.500 đồng), BV hạng IV, trạm y tế xã là 30.100 đồng (giá cũ là 27.500 đồng).

Giá dịch vụ ngày giường bệnh BHYT cao nhất là 867.500 đồng (BV hạng đặc biệt), thấp nhất là 64.100 đồng (trạm y tế xã). So với mức giá cũ, các mức giá mới được điều chỉnh tăng khoảng 10%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm