Giữ an toàn cao nhất cho các khu cách ly

Từ giữa tháng 3, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, đồng thời với giải pháp cách ly toàn bộ người từ nước ngoài đến Việt Nam, người Việt Nam về nước…, các khu cách ly lần lượt đón lượng lớn người vào mỗi ngày.

Quy trình chặt chẽ tránh lây nhiễm chéo

Việc cách ly số lượng người lớn, trên 2.000, 3.000 người mỗi khu cách ly đòi hỏi các khu cách ly phải đảm bảo an toàn khử khuẩn, vệ sinh phòng ốc… để làm sao không xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Hiện cả nước đang theo dõi sức khỏe hơn 75.000 người tiếp xúc gần hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó có hơn 38.000 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú; 37.000 người ở các khu cách ly tập trung. Tuy nhiên, Việt Nam chưa xảy ra trường hợp lây nhiễm chéo nào trong các khu cách ly này.

PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho hay để đạt được những kết quả trên là nhờ đội ngũ ngành y tế và những người dân được cách ly tuân thủ quy định cách ly tập trung mà Bộ Y tế đưa ra.

Cụ thể, tại các điểm cách ly tập trung, khi có người đến cách ly sẽ được tổ chức tiếp đón, lập danh sách người được đưa đến cách ly, ghi nhận thông tin cá nhân. Các lực lượng sẽ thông báo yêu cầu, mục đích, thời gian của việc cách ly cho người được cách ly cùng với sự đồng thuận, tình nguyện thực hiện cách ly.

Sau đó, lực lượng chức năng sắp xếp người được cách ly vào phòng cách ly, tốt nhất mỗi người một phòng. Trong trường hợp cách ly theo nhóm, các giường phải đặt cách nhau tối thiểu 1 m trở lên.

Tại điểm cách ly, những người được cách ly sẽ được phát tờ rơi khuyến cáo phòng bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh và phòng lây nhiễm cho người khác như đo thân nhiệt ngày hai lần, rửa tay, đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, thông báo cho cán bộ y tế ngay khi có các triệu chứng sốt, ho, khó thở.

Tại khu cách ly, người được cách ly sẽ được hướng dẫn thu gom, xử ly giấy lau mũi, khẩu trang y tế vào thùng có nắp đậy. Hằng ngày sẽ có báo cáo sức khỏe và đo thân nhiệt người được cách ly ít nhất hai lần.

Giảng viên, sinh viên TP.HCM tình nguyện dọn ký túc xá, đón người cách ly. Ảnh: THANH TUYỀN

Hành động quyết liệt khi có trường hợp dương tính

Tại điểm cách ly, người được cách ly sẽ được thông báo về việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 để phân loại, người có kết quả dương tính sẽ được chuyển đến cơ sở khám chữa bệnh để cơ sở y tế quản lý. Người có kết quả âm tính vẫn phải được theo dõi cách ly đúng 14 ngày theo quy định.

Những người được cách ly sẽ hạn chế tối đa việc ra khỏi phòng cách ly và tiếp xúc trực tiếp với người khác trong khu cách ly. Họ được cung ứng thức ăn trong thời gian quy định.

PGS-TS Trần Đắc Phu cho hay việc phòng, chống lây nhiễm còn rất được chú ý khi các cơ sở cách ly tập trung phải đảm bảo thực hiện phòng, chống lây nhiễm tại cơ sở bằng việc thực hiện vệ sinh thông khí, thông thoáng phòng ở, không dùng điều hòa, hằng ngày lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong phòng bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường.

“Khi trong phòng có người dương tính với COVID-19, lập tức lực lượng chức năng sẽ chuyển những người cùng phòng với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sang khu vực riêng, không cùng chỗ với những người đang cách ly khác nhằm hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly” - ông Phu nói.

Những người được cách ly không được tụ tập nói chuyện, tổ chức trò chơi trong phòng, hành lang, ngoài sân ở khu cách ly. Các vật dụng vệ sinh hằng ngày phải được phân loại theo nhóm chất thải lây nhiễm và chất thải sinh hoạt.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 878, kèm theo đó là hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19. Cách ly những người có nguy cơ mắc COVID-19 là việc cấp bách nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. 

Tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày sau đợt cách ly

Sáng 29-3, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết sắp có nhiều người thực hiện cách ly sẽ rời ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM trong cùng một thời điểm do đã hoàn thành thời hạn 14 ngày.

“Do số người hoàn thành cách ly được về nhà quá đông nên chắc chắn việc tổ chức sẽ gặp không ít khó khăn. Đó là chưa nói đến một số người không phải cư ngụ tại TP.HCM mà ở các tỉnh, TP khác và phương tiện di chuyển công cộng hiện nay cũng khó khăn hơn” - BS Dũng cho biết thêm.

Theo BS Dũng, vì những lý do trên nên HCDC đang xây dựng kế hoạch tổ chức người hoàn thành cách ly được về nhà một cách tốt nhất với mục tiêu sao cho người rời khỏi khu cách ly cảm nhận được sự trọng thị đối với mình.

Cũng theo BS Dũng, để tạo sự thuận tiện, thân nhân có thể đưa xe riêng đến ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM đón người cách ly về nhà. Tuy nhiên, thân nhân và người rời khỏi khu cách ly vẫn tiếp tục thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay và hạn chế tiếp xúc gần.

BS Dũng còn cho biết theo yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các trường hợp thực hiện cách ly tập trung khi nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được xét nghiệm hai lần: Lúc vào và lúc ra.

“Do đó, về nguyên tắc, người thực hiện cách ly chỉ được phép về nhà khi kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, ngành y tế khuyến cáo người rời khỏi khu cách ly vẫn phải tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày” - BS Dũng nói.

Bệnh viện siết quy trình chống lây nhiễm COVID-19

Sau khi hai bác sĩ, hai điều dưỡng và một bệnh nhân bị lây nhiễm COVID-19, các cơ sở y tế đẩy mạnh kiểm soát nhiễm khuẩn.

Tại BV Chợ Rẫy, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV, cho biết từ tuần trước, BV đã có nhiều biện pháp hạn chế người ra vào BV như hạn chế tối đa người vào thăm bệnh và cắt cử lực lượng giải thích cho người thăm bệnh ra về. Người nuôi bệnh được phát thẻ, kiểm tra thân nhiệt, bắt buộc đeo khẩu trang khi ra vào BV, giữ khoảng cách 2 m khi xếp hàng vào thang máy, bố trí người hợp lý, giữ khoảng cách khi cho vào thang máy.

BV bố trí các xe cấp cứu đảm bảo vệ sinh khử khuẩn, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để đưa bệnh nhân ra về. Xe trước khi đi phải ký xác nhận đã khử khuẩn giữa tài xế và trưởng ca trực.

Bắt đầu từ tuần sau, BV sẽ tạm dừng phòng khám theo yêu cầu của BV để hạn chế người đến BV đông. Riêng phòng khám bảo hiểm y tế vẫn hoạt động bình thường nhưng có thay đổi về việc lấy số thứ tự. Nếu như trước đây bệnh nhân được phát số thứ tự tự động từ 5 giờ sáng thì hiện nay sẽ được phát số từ 0 giờ đêm, kịp giải quyết cho số bệnh nhân đi xe lên từ trong đêm không phải chờ lâu, tập trung đông người.

Tại BV Thống Nhất, vào ngày 26-3 vừa qua, BV đã đưa vào sử dụng máy đo thân nhiệt tự động trước cổng BV để quét nhiệt độ cho bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, nhân viên y tế nhằm tăng hiệu quả sàng lọc bệnh nhân COVID-19. Đây được xem là BV đầu tiên tại TP.HCM sử dụng thiết bị này. Máy được thiết kế có camera phía trước và vị trí đứng của người bệnh sẽ cách xa khoảng 5 m.

Các trường hợp máy báo thân nhiệt trên 37,5 độ sẽ được hướng dẫn đến phòng khám sốt và tiếp tục được thực hiện các thăm khám sàng lọc cần thiết.

Tại BV Nhi đồng TP, ThS Cao Duy Phong, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, cho biết BV này vừa đưa phòng họp ảo vào sử dụng nhằm hạn chế các cuộc họp đông người, hạn chế họp trực tiếp để tránh lây nhiễm virus gây bệnh COVID-19. Phòng họp ảo này cho phép hàng trăm y, bác sĩ, nhân viên các khoa, phòng tham gia họp giao ban cùng lúc.

Tại BV Nhi đồng 2, tất cả khách đến, thân nhân thăm bệnh đều được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào BV. Nếu phát hiện sốt, họ sẽ được hướng dẫn tới BV người lớn khám.

Về kiểm soát nhiễm khuẩn, BV yêu cầu nhân viên của công ty vệ sinh 10-15 phút là dùng chất khử khuẩn để lau tay vịn cầu thang, tay cửa... Dự kiến trong thời gian sớm nhất, BV sẽ triển khai khai thác yếu tố dịch tễ với tất cả khách đến BV.

Hoàng Lan 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm