Gỡ hơn 23.000 sản phẩm vi phạm: Ủng hộ thẳng tay xử lý vi phạm

(PLO)- Bạn đọc phấn khởi trước thông tin gỡ hơn 23.000 sản phẩm vi phạm. Đồng thời đề nghị cần có nhiều giải pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng hơn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Gỡ hơn 23.000 sản phẩm vi phạm bán hàng trên không gian mạng” thông tin về việc trong năm 2023, cơ quan chức năng đã gỡ bỏ/khóa hơn 6.000 gian hàng với hơn 23.000 sản phẩm vi phạm trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok...) và các sàn TMĐT.

Sự việc trên nhận về nhiều ý kiến tích cực của bạn đọc.

Gỡ hơn 23.000 sản phẩm vi phạm
Bạn đọc phấn khởi trước thông tin gỡ hơn 23.000 sản phẩm vi phạm. Ảnh: Interner

Bát nháo mua bán trên MXH: Ủng hộ thẳng tay xử lý vi phạm

“Là người tiêu dùng thường xuyên mua hàng qua các nền tảng online nên tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm này. Nó là một cách để thanh lọc những nhà bán hàng không trung thực, tạo lộ trình mua sắm chất lượng hơn cho người tiêu dùng. Chứ để các bên bán hàng lợi dụng kẽ hở đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đến tay người mua thì lúc đó người tiêu dùng biết “than trời trách đất” làm sao!” - bạn đọc Lê Huy chia sẻ.

“Chợ mạng là mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng dỏm tung hoành. Trong khi lĩnh vực này có tốc độ phát triển rất nhanh thì việc quản lý còn nhiều bất cập. Việc những tài khoản với nhiều người theo dõi, thậm chí cả những người nổi tiếng livestream bán hàng trên mạng xã hội những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ không phải việc mới. Tôi nghĩ bên cạnh việc gỡ bỏ sản phẩm thì mạnh tay công khai luôn danh sách các cá nhân kinh doanh vi phạm lên trên phương tiện thông tin đại chúng luôn cho người mua “cạch mặt” triệt để về sau” - bạn đọc Ngọc Vy bày tỏ.

"Có một vấn đề mà tôi nhận thấy là người mua hàng trên MXH thường dựa vào thông tin đánh giá để đưa ra quyết định mua hàng. Nắm bắt được tâm lý đó,dẫn đến tình trạng có một số người bán hàng tắt chức năng này, thậm chí ẩn đi bình luận tiêu cực. Khác với cách mua hàng truyền thống, mua bán online tại các phiên livestream thường là mua đứt bán đoạn, vậy nên khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, nhiều người chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà ít có chuyện khiếu nại” - bạn đọc Anh Tuấn phân tích.

Giải pháp nào để “diệt trừ tận gốc” các sản phẩm vi phạm?

“Một giải pháp rất quan trọng nên được các được cơ quan quản lý triển khai đó là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật để nâng cao nhận thức và cung cấp kiến thức cho người tiêu dùng” - bạn đọc Thanh Thanh bày tỏ.

Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Khánh Linh cho rằng: “Tôi cũng nghĩ không thể chỉ trông cậy vào các cơ quan pháp luật được, chính người mua cũng nên tự biết cảnh giác để tránh xa khỏi các sản phẩm vi phạm đó, được vậy thì hàng “dỏm” cũng không còn đất “sống”. Người tiêu dùng có thể lựa chọn các địa chỉ mua hàng trực tuyến tin cậy như website bán hàng đã đăng ký với Bộ Công Thương, các gian hàng Mall chính hãng trên sàn TMĐT, tài khoản trên MXH có tích xanh… để tự bảo vệ quyền lợi cho mình".

“Thiết nghĩ các sàn TMĐT cần phối hợp chặt chẽ với các thương hiệu đối tác và cơ quan quản lý để xác định, kịp thời loại trừ những trường hợp kinh doanh vi phạm. Áp dụng thêm nhiều giải pháp công nghệ hiện đại để quét hàng giả, tôi thấy sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, nếu bài rao bán sản phẩm không phải của gian hàng chính thức hoặc gian hàng ủy quyền thì đều bị chặn” - bạn đọc Minh Hằng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm