Góc nhìn khác về tỉ lệ tăng trưởng thấp

(PLO)- Tăng trưởng thấp cũng nên là động lực để cả hệ thống nhận ra sự thật và những việc cần làm để ba quý còn lại diễn ra đúng như kịch bản của cơ quan hoạch định nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những chỉ số không mấy lạc quan về tăng trưởng, tình hình kinh tế - xã hội quý I-2023 đã được dự báo từ cuối năm 2022. Thế nhưng con số 3,32% (tỉ lệ tăng trưởng GDP quý I-2023) cùng với những chỉ số nền tảng, các địa phương “đầu tàu” tăng trưởng thấp ít nhiều mang lại âu lo.

Lo là bởi biến động không tích cực này không phải là hậu quả của một sự kiện bất khả kháng như dịch COVID-19 và Việt Nam đã có cả một năm 2022 đi trước nhiều nước bằng Nghị quyết 128/2021 đầy táo bạo, giúp kinh tế - xã hội phục hồi đáng kể.

Góc nhìn khác về tỉ lệ tăng trưởng thấp ảnh 1

Tuy vậy, đây không phải là câu chuyện của một ngành, một địa phương nào. Bởi trong quá trình phát triển, những giai đoạn tăng trưởng thấp như quý I-2023 không phải là hiếm. Thậm chí, tăng trưởng thấp đến mức âm 8,06% như quý III-2021 có tác dụng kích thích cải cách.

Tăng trưởng thấp như quý I-2023 cũng nên là động lực để cả hệ thống nhận ra sự thật và những việc cần làm. Điều ấy đảm bảo rằng: Ba quý còn lại của năm 2023 phải diễn ra đúng như kịch bản của cơ quan hoạch định chính sách nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% mà Quốc hội đã giao.

Thật ra thông lệ tăng trưởng ở nước ta, quý I hằng năm bao giờ cũng thấp, các quý sau sẽ cao dần lên. Mặt khác, nền kinh tế có quy mô nhỏ nhưng độ mở lớn của Việt Nam cũng có những yếu tố phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới. Khi mà các tổ chức có uy tín như World Bank… phải điều chỉnh dự báo tỉ lệ tăng trưởng của thế giới và các quốc gia thì Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Nhưng cũng có những vấn đề mà bản thân hệ thống hoàn toàn có thể nhìn nhận và giải quyết mà không phụ thuộc vào quốc tế.

Chẳng hạn, giải ngân vốn đầu tư công thấp chắc chắn không phải là do tình hình kinh tế thế giới. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp qua tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh vẫn còn nhiều tồn tại chắc chắn không phải do tình hình khu vực. Thể chế vẫn còn đó những nút thắt chắc chắn chẳng phải do xung đột quốc tế. Tức là có những vấn đề mà cả hệ thống cần phải nhìn thẳng để có giải pháp về chính sách, pháp luật.

Chính sách, luật pháp, ngoài khả thi, tiên lượng được thì an toàn cũng là một tiêu chí quan trọng không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với cả cán bộ, công chức. Bối cảnh hiện nay cho thấy: Một hệ thống chính sách, luật pháp an toàn cả trên văn bản và trong thực thi chính là động lực của cả hệ thống và cộng đồng doanh nghiệp.

Xu hướng con người là luôn muốn được an toàn nên chuyện thiết kế và thi hành chính sách, luật pháp cần bảo đảm được điều đó. Khi hệ thống chính sách, luật pháp an toàn thì khi ấy mọi người mới có động lực để “sáng tạo, đổi mới” vì lợi ích chung. Cũng khi đó, niềm tin của mọi người mới được củng cố và trở thành sức mạnh cho phát triển. Vì như nhiều lãnh đạo đã nhấn mạnh: “Có niềm tin là có tất cả”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm