Đó là một trong những thông tin vừa được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra sáng nay, ngày 3-4.
Gói ưu đãi vẫn thừa khoảng 37.520 tỉ đồng
Cụ thể, Thống đốc cho biết: Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất, NHNN đã họp với các bộ, ngành liên quan và thống nhất không sửa Nghị định 31 và hiện nay các bộ, ngành đang xem xét đề xuất vấn đề chuyển nguồn.
Theo số liệu của NHNN công bố, tính đến hết năm 2022, giải ngân chính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt hơn 134 tỉ đồng, tương đương 0,3% tổng nguồn lực.
Ngay cả khi NHNN Việt Nam trình Chính phủ việc sửa đổi Nghị định số 31/2022 theo hướng tạo điều kiện triển khai thuận lợi hơn thì nhiều khả năng chỉ có thể giải ngân được 2.345 tỉ đồng trong năm nay.
Như vậy, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách này vẫn còn thừa khoảng 37.520 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc hiệu quả của gói ưu đãi này không cao như kỳ vọng.
Cũng tại buổi họp sáng nay, Thống đốc chia sẻ trong 3 tháng đầu năm nay NHNN đã điều tiết và mua 4 tỉ USD, đồng nghĩa bơm tiền ra, giúp hệ thống hiện nay dồi dào thanh khoản.
Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo NHNN cho biết tính đến hết quý I đã tăng 2,06%. Đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của một số năm trước, ngoại trừ năm 2022.
Hiện nay, NHNN đang thực hiện một số giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng thông qua giải pháp điều tiết tiền tệ cũng như đánh giá để đề xuất giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhóm nợ.
Đối với lãi suất, năm ngoái lãi suất đã tăng cao nhưng từ đầu năm đến nay, NHNN đã thực hiện các giải pháp và mặt bằng lãi suất đang có chiều hướng giảm.
Cuối tuần trước, NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành 0,5 - 1%/năm trên cơ sở lạm phát âm, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lộ trình tăng lãi suất thấp và tỉ giá VND/USD ổn định. VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực và trên thế giới.
Xem xét tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Chia sẻ về định hướng giải pháp trong thời gian tới, Thống đốc cho biết, NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành để sửa đổi Thông tư số 16/2021 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Mục tiêu là tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, tránh rủi ro từ bài học của các ngân hàng Mỹ. Đánh giá để có giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Để giải quyết khó khăn của nền kinh tế, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp theo nguyên tắc vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó và khi xử lý cần cân nhắc thận trọng các rủi ro.
Đối với hai thị trường đang gặp khó khăn là bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, thống đốc cho biết trong quá trình trao đổi với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), IMF có một số khuyến nghị mà NHNN cho rằng các bộ, ngành có thể cân nhắc.
Đó là, khi đánh giá các dự án bất động sản, doanh nghiệp bất động sản, IMF khuyến nghị nên có bên thứ ba tham gia, như kiểm toán, để xem các dự án nào khó khăn tạm thời thì có giải pháp hỗ trợ.
IMF cũng có quan điểm khi thực hiện các giải pháp cần tránh những rủi ro đối với bảng cân đối tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là từ bài học của Mỹ vừa qua cho thấy phải kiểm soát rủi ro kỳ hạn bởi thị trường trái phiếu, bất động sản có kỳ hạn dài, khối lượng tiền lớn.