GS-TS Trình Quang Phú ra mắt ấn phẩm về hành trình bôn ba của Bác Hồ

(PLO)- GS-TS Trình Quang Phú vừa ra mắt ấn phẩm Theo dấu chân Người (NXB Hội Nhà văn) nói về hành trình 30 năm bôn ba của Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh). 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

GS-TS Trình Quang Phú vừa ra mắt ấn phẩm Theo dấu chân Người (NXB Hội Nhà văn). Đây là tác phẩm thứ 6 viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của GS-TS Trình Quang Phú.

trinh-quang-phu.jpg
GS-TS Trình Quang Phú.

GS-TS Trình Quang Phú chia sẻ vào năm 1996, khi tác phẩm Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng được ra mắt, ông đã mang sách đến tặng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Trong cuộc gặp thân mật đó, ông được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng căn dặn: “Cháu nên dành thì giờ nghiên cứu về 30 năm Bác ở nước ngoài. 30 năm tính từ ngày Bác rời Sài Gòn cho đến ngày Bác về nước là một kho tàng rất hấp dẫn đó cháu!”.

Khắc ghi lời căn dặn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, suốt 28 năm qua, bên cạnh những ấn phẩm khác, GS-TS Trình Quang Phú không ngừng ghi chép, tìm tòi, sưu tập và đối chiếu những tư liệu quý giá về Bác.

Ở tuổi 84, ông ra mắt truyện ký Theo dấu chân Người, như một cách thực hiện lời hứa với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

"Tôi đã đi, sưu tập và ghi chép rồi đối chiếu rất nhiều tư liệu. Các sách chính thống của nước ta rất nhiều, rất phong phú nhưng cũng rất phức tạp bởi nhiều tài liệu chính thống lại "đá" lẫn nhau. Tôi phải dựa vào các nguồn để đối chiếu, so sánh, tìm ra cái có lý nhất để viết" - GS-TS Trình Quang Phú chia sẻ.

"Tôi nghĩ rằng có những tư liệu trong cuốn sách này đến các đơn vị báo chí còn chưa từng khai thác. Tác giả Trình Quang Phú đã đến châu Âu rất nhiều lần để tìm lại những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến. Đó chính là sự bền bỉ của người viết dù đã ở tuổi ngoài 70".

Ông NGUYỄN NGỌC HỒI, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM

Là người đồng hành, tận mắt chứng kiến quá trình lao động của GS-TS Trình Quang Phú, nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng đã dành sự khâm phục và khen ngợi cho ông.

Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, để hiểu thêm hành trình cứu nước của Bác, nhà văn Trình Quang Phú đã đi rất nhiều nơi, từ châu Âu cho đến Trung Quốc, mỗi nơi GS-TS Trình Quang Phú đều tỉ mỉ ghi chép và chụp các bức ảnh tư liệu.

theo-dau-chan-nguoi.jpg
Tác phẩm "Theo dấu chân Người" của GS-TS Trình Quang Phú.

Có những nơi như Pháp, Nga, ông phải đi đến hàng chục lần. Có những thời điểm ở Nga rất lạnh nhưng ông vẫn đi để cảm nhận một cách sâu sắc nhất những nơi mà Bác Hồ đã trải qua. Qua sự kỳ công đó, chân dung danh nhân văn hóa kiệt xuất, người lãnh tụ đã được tái hiện rõ nét.

"Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều người làm rồi, nhưng viết để người đọc thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh gần gũi nhưng cũng rất vĩ đại thì không phải ai cũng làm được. Điều đó đòi hỏi sự nghiêm cẩn của người viết và nhà văn Trình Quang Phú đã làm được" - nhà văn Nguyễn Bình Phương cho hay.

Đã có không ít tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay cả GS-TS Trình Quang Phú cũng từng có 5 cuốn sách viết về Bác.

Tuy vậy, truyện ký Theo dấu chân Người vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt. Qua tác phẩm này, độc giả hiểu nhiều hơn và đa chiều hơn về hành trình 30 năm ở nước ngoài của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

GS-TS Trình Quang Phú hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông.

Ông đồng thời là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM. Từ những năm 1960-1962 ông đã bén duyên với trang viết, nhận được giải nhì thể loại ký sự của báo Cứu Quốc.

Dù với nhà văn Trình Quang Phú, viết là một nghề tay trái, nhưng ông đã gặt hái không ít thành quả ngọt ngào.

Tác phẩm Ký sự xứ người đoạt giải thưởng văn học Mê Kông năm 2022 và Giải Sáng tạo TP.HCM năm 2023. Tác phẩm Nhà văn và chữ tình gửi lại đoạt giải A giải “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2025.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm