Hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là một bước leo thang mới vi phạm luật pháp quốc tế

Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng cho biết, hội thảo lần này là sự tiếp nối thành công mà ban tổ chức đã thực hiện vào năm 2013 tại Quảng Ngãi. “Điều này cho thấy chủ đề này vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đồng thời cũng cho thấy, sự đóng góp các ý kiến tại hội thảo đối với xu thế chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới. Đó là hướng tới sự phát triển hòa bình và ổn định, thịnh vượng cho khu vực biển Đông”, ông Phước chia sẽ.

Khai mạc hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: sự thật lịch sử” với gần 100 học giả tham dự. LÊ PHI

Theo ông Phước, hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình biển Đông diễn ra hết sức căng thẳng, phức tạp sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. “Hành động này đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Trung Quốc đang nhằm hiện thực hóa yêu sách phi lý đường lưỡi bò chín đoạn của mình tại biển Đông”, ông Phước cho hay.

PGS.TS Phạm Đăng Phước, nhấn mạnh: “Hành động này của Trung Quốc là một bước leo thang mới vi phạm luật pháp quốc tế, công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982, làm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”.

Được biết, hội thảo sẽ diễn ra hết ngày hôm nay. Sau phần khai mạc, các đại biểu tham gia vào phiên thảo luận.

Ngày mai (21-6) các đại biểu sẽ tổ chức Tọa đàm về vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 tại Hoàng Sa (Việt Nam) và khai mạc Triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”. Ngoài ra, đại biểu còn có buổi gặp gỡ, phỏng vấn và lắng nghe tâm sự của các thuyền viên, chủ tàu cá Đna 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa vào chiều 26-5.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới