Hà Nội cưỡng chế 32 hộ dân để gỡ nút thắt cho dự án Trạm bơm Yên Nghĩa

(PLO)- Từ ngày 18 đến 20-9, quận Hà Đông, TP Hà Nội, sẽ tiến hành cưỡng chế 32 hộ dân, nhằm tháo nút thắt về mặt bằng cho dự án Trạm bơm Yên Nghĩa...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội gồm có hai hạng mục chính gồm công trình đầu mối Trạm bơm Yên Nghĩa và kênh dẫn nước La Khê.

Dự án được triển khai từ năm 2013, khởi công vào cuối năm 2015, với tổng mức đầu tư 7.466 tỉ đồng. Sau 5 năm thi công, đến tháng 1-2020, Trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành, với 10 tổ máy, có công suất 120m3/giây.

Trạm bơm Yên Nghĩa chạy cầm chừng do thiếu nước

Hà Nội cưỡng chế 32 hộ dân để gỡ nút thắt cho dự án Trạm bơm Yên Nghĩa
Cụm công trình đầu mối trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành, đi vào hoạt động từ tháng 1-2020 nhưng chỉ phát huy được tối đa là 70% công suất thiết kế. Ảnh: Trọng Phú

Sau khi hoàn thành, Trạm bơm Yên Nghĩa đã được bàn giao để quản lý, vận hành với kỳ vọng đảm bảo tưới tiêu, thoát nước cho nhiều quận, huyện phía Tây Hà Nội như: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoài Đức...

Thế nhưng trong bối cảnh nhiều trạm bơm của Hà Nội đang gồng mình tiêu thoát nước cho cả TP do ảnh hưởng bão số 3 thì Trạm bơm Yên Nghĩa lại phải hoạt động cầm chừng do thiếu nước để bơm.

tram-bom-yen-nghia-2.jpg
Trạm bơm Yên Nghĩa có 10 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 12 m3/s (tổng công suất là 120 m3/s) nhưng mới chỉ chạy tối đa được 7 tổ máy do thiếu nước. Ảnh: Trọng Phú

Nguyên nhân công trình kênh dẫn nước La Khê bị chậm tiến độ do ách tắc trong khâu công tác giải phóng mặt bằng, cho đến nay vẫn còn hơn trăm hộ dân vẫn chưa chịu nhận đền bù, di dời…

Sáng ngày 17-9, có mặt tại Trạm bơm Yên Nghĩa, chúng tôi chứng kiến chỉ có 7/10 tổ máy hoạt động, mặc dù mực nước sông Nhuệ và kênh La Khê đang ở mức khá cao.

“Từ khi đi vào hoạt động đến nay, có hai lần trạm bơm phải chạy 7/10 tổ máy, lần đầu là trận mưa lớn năm 2023, lần 2 kéo dài suốt hai tuần qua do ảnh hưởng của bão số 3” – một nhân viên vận hành tại Trạm bơm Yên Nghĩa cho hay.

Vị này cũng cho biết thêm ở mức vận hành này, Trạm bơm Yên Nghĩa mới phát huy được 70% công suất, do không đủ nước để tiêu thoát.

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội - chủ đầu tư của dự án) cho hay Trạm bơm Yên Nghĩa có vai trò rất quan trọng trong tưới tiêu, thoát nước cho khu vực phía Tây của Hà Nội.

“Mặc dù phần trạm bơm đã hoàn thành, đi vào hoạt động rồi, nhưng mới phát huy tối đa được 70% công suất do kênh La Khê, hệ thống dẫn nước chính cho trạm bơm bị chậm tiến độ vì ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng” – ông Hùng nói.

Tháo nút thắt giải phóng mặt bằng trong năm 2024

Theo báo cáo của UBND quận Hà Đông, đến nay dự án kênh dẫn nước La Khê còn tồn tại 185 hộ gia đình chưa bàn giao mặt bằng với tổng diện tích là khoảng 0,6 ha.

Các hộ này phân bố rải rác trên toàn tuyến kênh, thuộc địa bàn các phường như Quang Trung, Hà Cầu, Yết Kiêu, Dương Nội, La Khê (đều thuộc quận Hà Đông).

Do các hộ không nhận tiền, không chấp hành quyết định thu hồi đất nên sau nhiều lần tuyên truyền, đối thoại, giải thích, chính quyền quận Hà Đông đã phải thiết lập hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất.

Trong đó, từ ngày 18 đến 20-9, sẽ tiến hành cưỡng chế đối với 32 hộ dân (với tổng diện tích khoảng 0,3 ha đất) tại khu vực 2 phường Quang Trung và Hà Cầu.

tram-bom-yen-nghia-3.jpg
Dù còn nhiều băn khoăn về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhưng ông Nguyễn Lợi (chủ số nhà 49, phố Ngô Quyền, phường Quang Trung, quận Hà Đông) vẫn tự tháo dỡ nhà... Ảnh: Trọng Phú

Trao đổi với PLO sáng ngày 17-9, ông Nguyễn Lợi (chủ số nhà 49, phố Ngô Quyền, phường Quang Trung), cho biết gia đình ông có 136,8 m2 đất bị thu hồi. Nguồn gốc đất do Xí nghiệp Trung đại tu ô tô (thuộc tỉnh Hà Tây cũ) giao cho cán bộ nhân viên làm nhà tập thể từ năm 1984.

Tuy nhiên, trường hợp của gia đình ông hiện nay được chính quyền địa phương xác nhận là chiếm đất hành lang kênh, do đó không được bồi thường về đất, không được tái định cư bằng đất, cũng như không thoả mãn điều kiện áp dụng chính sách hộ trợ % giá đất của TP Hà Nội…

“Chúng tôi ủng hộ hoàn toàn dự án thuỷ lợi kênh La Khê – Trạm bơm Yên Nghĩa để tưới tiêu, thoát nước cho khu vực phía Tây của TP.

Bản thân gia đình tôi cũng chủ động tháo dỡ nhà trước khi nhà nước tiến hành cưỡng chế vào ngày mai (18-9). Tuy nhiên, chúng tôi mong các cấp cần xem xét lại nguồn gốc đất của gia đình tôi để có chính sách bồi thường hỗ trợ hợp lý, thoả đáng để hạn chế thiệt thòi cho người dân” – ông Lợi nói.

tram-bom-yen-nghia-4.jpg
Kênh dẫn nước La Khê (đoạn qua phường Quang Trung và phường Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội) ngổn ngang rác thải. Kênh dẫn nước bị chậm tiến độ nhiều năm, hai bờ kênh vẫn chưa cứng hoá được vì không có mặt bằng sạch. (Ảnh: Trọng Phú)

Trao đổi với PLO, bà Phạm Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án quận Hà Đông, cho hay một trong những nguyên nhân khiến công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ là do các hộ có nguồn gốc đất sử dụng rất phức tạp.

“Đa số là sử dụng đất lấn chiếm, hoặc đất cơ quan, xí nghiệp nhà nước sử dụng nhưng giao trái thầm quyền. Cho đến nay, để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thành phố đã xem xét, cho áp dụng một số chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân đỡ thiệt thòi nhất” – bà Thảo nói.

Theo bà Thảo, để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, Quận ủy - UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị và các phường liên quan thực hiện đúng trình tự, thủ tục, rà soát kỹ hồ sơ quản lý đất đai lưu trữ các thời kỳ, thu thập tài liệu do người bị thu hồi đất cung cấp, tổ chức hội nghị lấy ý kiến, xác minh làm rõ các nội dung liên quan để làm cơ sở xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư theo quy định.

Chủ tịch UBND quận Hà Đông cũng chủ trì cùng Sở NN&PTNT Hà Nội và các cơ quan, đơn vị, các phường liên quan đối thoại, giải đáp các thắc mắc đối với từng hộ dân bị thu hồi đất.

“Cho đến nay một số hộ đã hiểu và chấp hành quyết định thu hồi đất. Đến trưa nay (17-9), trong số 32 hộ dân phải cưỡng chế thu hồi đất theo kế hoạch, đã có 15 hộ dân tự nguyện bàn giao mặt bằng, không phải tổ chức cưỡng chế” – bà Thảo nói và cho biết trong năm 2024, quận Hà Đông sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư thi công, để đảm bảo kế hoạch TP giao là đến tháng 12-2025 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm