Ngày 9-4, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, cho hay tới đây 68 công trình sai phạm ở chín xã của huyện này sẽ phải cưỡng chế tháo dỡ.
Cả ngàn, chỉ đập 68?
Trong khi đó, kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng Sóc Sơn (ban hành hồi tháng 3-2019) của Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ rõ từ năm 2006 đến đầu năm 2019, trên địa bàn huyện này có gần 1.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng, xâm phạm đất rừng. Vậy cả ngàn công trình vi phạm này liệu có bị đập bỏ?
Mới đây, ngày 30-3, UBND xã Minh Phú đã mời một số hộ dân tại thôn Lâm Trường làm việc với nội dung xử lý công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp. Đây là 18 hộ dân trong số nhiều hộ dân tại thôn Lâm Trường xây dựng, sửa chữa công trình trên đất rừng trong hai năm 2017 và 2018.
Theo đó, các hộ dân đã được ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú, đề nghị tự tháo dỡ công trình trước ngày 30-4. Đề nghị trên đã khiến nhiều hộ dân bức xúc, phản ứng vì cho rằng trên địa bàn thôn Lâm Trường có hàng trăm công trình khủng vi phạm đất rừng. Nhiều công trình khác xây dựng trong hai năm 2017-2018, trên phần đất có nguồn gốc giống của họ nhưng chính quyền không yêu cầu tháo dỡ mà chỉ nhằm vào 18 công trình.
Các hộ dân trên không đồng tình theo thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội vì cho rằng kết luận này không bám theo kết luận Thanh tra Chính phủ năm 2006.
“Hiện các công trình theo kết luận Thanh tra Chính phủ chưa xử lý, tại sao lại xử lý 18 hộ trong khi có nghìn hộ ở huyện Sóc Sơn cũng “thuộc diện vi phạm” tương tự chúng tôi? Chúng tôi mong được biết lý do tại sao” - VTT, một trong 18 hộ dân có công trình bị đề nghị tự tháo dỡ, nói.
Theo các hộ dân này, thực tế trong thời gian 2017-2018, trong rừng của thôn Lâm Trường còn có nhiều công trình nguy nga khác xây dựng chứ không chỉ riêng 18 công trình nằm trong “sách đen” từ nhiều tháng nay. Do đó, 18 hộ dân này đã có đơn đề nghị UBND huyện Sóc Sơn tổ chức buổi đối thoại “sòng phẳng” với người dân để có được sự xử lý công bằng, đúng pháp luật.
PV Pháp Luật TP.HCM ghi nhận trên địa bàn thôn Lâm Trường có hàng trăm biệt thự nguy nga, trong đó có những công trình mới tinh tươm còn thơm mùi sơn được xây dựng trong giai đoạn 2017-2018 nhưng lại không nằm trong danh sách phải tháo dỡ.
Một biệt phủ xây trái phép trong rừng Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: PV
Có đập hết cả ngàn?
Kết luận hồi tháng 3-2019 của Thanh tra TP Hà Nội chỉ rõ trên địa bàn chín xã của huyện Sóc Sơn có gần 1.000 trường hợp vi phạm đất rừng, trong đó riêng xã Minh Phú và Minh Trí có tới 659 trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, Thanh tra TP Hà Nội chỉ kiến nghị cưỡng chế ngay đối với các công trình có vi phạm xây dựng trong giai đoạn 2017-2018. Đối với các công trình vi phạm từ giai đoạn 2006-2016, Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị rà soát hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo việc sử dụng đất đai đúng mục đích.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM về việc tại sao chỉ tập trung vào các công trình vi phạm trong năm 2017-2018, Thanh tra TP Hà Nội giải thích các trường hợp này phải xử lý theo đúng kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
“Thanh tra TP đã kết luận trách nhiệm và kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương thực hiện dứt điểm kết luận của Thanh tra Chính phủ” - Thanh tra TP Hà Nội nêu rõ quan điểm.
Phá dỡ cũng không đơn giản
Sáng 9-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, cho hay vào đầu tháng 4, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo huyện Sóc Sơn thực hiện một số nội dung sau khi có kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn.
Vào ngày 5-4, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn đã tiến hành họp, ra nghị quyết, căn cứ vào đó để UBND huyện Sóc Sơn xây dựng kế hoạch thực hiện xử lý, khắc phục sau kết luận thanh tra.
Theo ông Phương, trên địa bàn chín xã của huyện Sóc Sơn sẽ có 68 công trình sai phạm phải xử lý bằng biện pháp cưỡng chế. Văn bản của UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ việc xử lý phải báo cáo về UBND TP Hà Nội trước ngày 15-5.
Về việc gần ngàn công trình khác có phá dỡ không (ngoài 68 công trình tại chín xã), ông Phương cho hay văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ là phải rà soát, sau đó báo cáo cụ thể các phương án. Trước đây, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng nói là phải rà soát nhưng không cơ quan nào chịu làm.
“Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã mở hướng, chỉ rõ là những cái nào chồng lấn thì báo cáo, những cái nào sai phạm thì phải xử lý. Còn trước mắt phải xử lý xong 68 công trình sai phạm trong năm 2017-2018 đã. Phá dỡ xong ngần đấy cũng không đơn giản” - ông Phương cho biết.
Xem xét theo từng giai đoạn lịch sử Sáng 9-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ xử lý các công trình vi phạm trên tinh thần đảm bảo sự ổn định của địa phương và để người dân tâm phục, khẩu phục. Ông Chung cho hay tới đây Hà Nội sẽ “họp bàn kỹ lưỡng với Thanh tra Chính phủ” để xử lý dứt điểm các vi phạm đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Theo ông Chung, khi xem xét vấn đề liên quan đến quy hoạch về đất đai thì phải gắn với điều kiện lịch sử của từng giai đoạn. “Nếu nhìn năm 2018 với những năm 2001-2002 thì rất khó xem xét. Để gắn được điều đó thì hiện nay chúng tôi cũng đã cử đoàn đi khảo sát để làm sao phản ánh trong kết luận thanh tra đấy nó chính xác nhất. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số hộ dân cho rằng chính sách trước kia đưa dân lên xây dựng vùng kinh tế mới ở Sóc Sơn, nay kết luận thanh tra cho rằng dân sai là sao. Thứ hai là chồng lấn của phần đất ở và đất rừng phòng hộ mà đưa vào trong quy hoạch năm 2008 và 2011 thì người dân nói là không biết. Tới đây chúng tôi sẽ công bố cho họ liên quan đến những cột mốc đã được cắm từ trước đến nay. Tôi nghĩ là sẽ rõ thôi!” - ông Chung nói. |