Hạ tầng giao thông Hà Nội sẽ có đột phá nhờ Luật Thủ đô mới

(PLO)- Với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, Luật Thủ đô mới kỳ vọng sẽ giúp Hà Nội giải quyết nhanh nút thắt về hạ tầng giao thông và nhiều vấn đề khác vì một Thủ đô văn minh, hiện đại... 

Hội nghị được tổ chức sáng nay, 11-10, kết hợp giữa trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu thành phố đến tất cả các sở, ban, ngành cùng 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội.

Khối lượng công việc lớn

“Đây là đạo luật rất quan trọng đối với Hà Nội. Quy định rõ hơn về vị trí, vai trò của Thủ đô và những cơ chế, chính sách đặc thù trong việc xây dựng, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Qua đó tạo thể chế thuận lợi, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội Văn hiến – Văn minh – Hiện đại theo Nghị quyết số 15 ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị” – Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sĩ Thanh nhấn mạnh với toàn hệ thống chính trị Thủ đô khi quán triệt về Luật Thủ đô.

Ngay sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, hồi tháng 6, Thủ tướng Chính phủ, Thành uỷ, HĐND, UBND Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản để chỉ đạo triển khai thi hành. Trong đó đang sát sao chỉ đạo xây dựng các văn bản tổ chức thi hành luật; rà soát hệ thống văn bản của Hà Nội...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

"Luật Thủ đô có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, nhiều quy định mới so với hệ thống pháp luật hiện hành. Do đó khối lượng công việc cần triển khai thực hiện là rất lớn và phức tạp. Nhưng trước hết, các cấp, ngành, mỗi cán bộ, công chức của Hà Nội phải nắm vững tư tưởng, quan điểm, tinh thần của Luật Thủ đô. Hiểu rõ được các quy định cụ thể cũng như mối quan hệ giữa các quy định của Luật Thủ đô trong tổng thể chung của hệ thống pháp luật”- ông Thanh nói.

Phân quyền, phân cấp mạnh mẽ

Được Thành ủy Hà Nội mời giới thiệu Luật Thủ đô, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết Luật Thủ đô sau khi sửa đổi đã bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định.

Tinh thần là hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.

Theo đó, chính quyền Thủ đô sẽ hoàn toàn có thể được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chẳng hạn, HĐND thành phố sẽ quy mô 125 đại biểu, với ít nhất 25% hoạt động chuyên trách, tăng 30 quy định hiện hành.

Thường trực HĐND thành phố hoạt động chuyên trách cũng được tăng thêm 1 phó chủ tịch và 4 ủy viên, lên mức tối đa 11 người.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy.

Đáng chú ý, với Luật Thủ đô vừa sửa đổi, UBND Hà Nội được quyền tự chủ hơn trong việc thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Tháo gỡ nút thắt pháp lý trong giải phóng mặt bằng

Luật còn bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Đặc biệt, Luật Thủ đô mở ra cơ hội mới trong phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội theo hướng cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị được ưu tiên áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững.

Trong khu vực TOD, Hà Nội được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Với các dự án hạ tầng giao thông lớn, điểm đáng quan tâm nhất là Điều 43 cho phép “tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công”. Như vậy, "nút thắt" giải phóng mặt bằng vốn gây chậm tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội được tháo gỡ…

Để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, Quốc hội đã quy định hiệu lực chung của đạo luật là từ ngày 1-1-2025, chỉ 5 nội dung cần phải quy định chi tiết thì hiệu lực thi hành từ 1-7-2025. Thành ủy Hà Nội mong muốn cả hệ thống chính trị thành phố hiểu sâu sắc được không gian pháp lý đang rộng mở, rất thuận lợi cho Thủ đô bứt phát trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới