Các hoạt động của hải quân Mỹ trên vùng biển Thái Bình Dương kể từ sau Thế chiến thứ hai thường gắn liền với cái tên Hạm đội 7. Có đại bản doanh tại TP cảng Yokosuka, gần thủ đô Tokyo của Nhật Bản, hạm đội được đánh giá là hùng mạnh nhất châu Á nắm trong tay 140 máy bay và 80 tàu quân sự, trong đó có tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan.
Tuy nhiên, hạm đội này chỉ chiếm gần một nửa sức mạnh hải quân của Mỹ trên Thái Bình Dương. Mỹ vừa qua đã điều động tàu khu trục tên lửa USS Decatur, dưới sự chỉ huy của Hạm đội 3, thực hiện sứ mệnh tuần tra tự do hàng hải tại biển Đông. Động thái này khiến nhiều chuyên gia suy đoán Mỹ muốn “nắm đấm thép” còn lại của mình trên Thái Bình Dương tăng cường tham gia các vấn đề an ninh tại châu Á.
"Nắm đấm thép” thứ hai
Với hơn 60.000 thủy thủ đoàn làm việc khoảng 115 tàu hải quân, Hạm đội 3 là “nắm đấm thép” thứ hai của Mỹ trên Thái Bình Dương. Lực lượng này gộp cùng với Hạm đội 7 tạo thành Hạm đội Thái Bình Dương, với mỗi bên chịu trách nhiệm một bờ của đại dương lớn nhất thế giới. Ít nổi tiếng hơn người anh em tại bờ tây Thái Bình Dương nhưng Hạm đội 3 lại phần lớn nguồn lực khổng lồ của Hạm đội Thái Bình Dương.
Ảnh chụp chiến hạm USS Decatur, thuộc Hạm đội 3, hoạt động tại biển Đông vào ngày 13-10-2016.
Theo trang mạng giới thiệu về Hạm đội 3, họ hiện đang có hơn 30 tàu ngầm, bốn tàu sân bay và gần 400 máy bay hải quân với đủ các loại: Từ máy bay tác chiến đa nhiệm F/A-18 Superhornet, máy bay do thám E-2C Hawkeyes, máy bay phản lực lên thẳng AV-8B Harrier, trực thăng tấn công AH-1Z Super Cobra và trực thăng quân vận SH-60 Seahawk.
Lực lượng của hạm đội chuyên trách bờ đông Thái Bình Dương được đóng quân rải rác tại các căn cứ ở Hawaii, bang Washington và bang California. Đầu não chỉ huy của hạm đội được đặt tại TP San Diego. Dưới sự chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Nora Tyson, nữ tư lệnh hải quân đầu tiên trong lịch sử của hải quân Mỹ, hạm đội này chịu trách nhiệm vùng biển rộng lớn kéo dài từ đường đổi ngày quốc tế đi qua Hawaii đến bờ biển phía tây của nước Mỹ.
Gã khổng lồ thức giấc
Sự tái xuất của Hạm đội 3 tại châu Á không khác gì một gã khổng lồ thức tỉnh sau giấc ngủ kéo dài gần nửa thế kỷ qua.
Lực lượng này được thành lập trong Thế chiến thứ hai, vào ngày 15-3-194, dưới sự chỉ huy của Đô đốc William F. Halsey. Hạm đội này hoạt động trong những vùng biển mà hải quân phát xít Nhật tập trung nhiều hỏa lực, như quần đảo Solomon, biển Philippines, Formosa, quần đảo Okinawa và quần đảo Ryukyu. Đô đốc Halsey cũng từng chỉ huy các chiến dịch tấn công vào Tokyo, hải cảng Kure và đảo Hokkaido. Đây chính là lực lượng được giao trách nhiệm tiến vào vịnh Tokyo vào ngày 29-8-1945, ba ngày trước khi tuyên bố đầu hàng của phát xít Nhật được ký trên soái hạm USS Missouri của hạm đội.
Kết thúc những tháng ngày chiến chinh lẫy lừng của mình, Hạm đội 3 quay trở về bờ tây nước Mỹ vào tháng 10-1945 và được chỉ định làm hạm đội dự phòng, chỉ được điều động trong trường hợp có chiến tranh xảy ra. Kể từ đó, lực lượng này chủ yếu chịu trách nhiệm huấn luyện các lực lượng hải quân trước khi triển khai ra vùng biển nước ngoài. Đồng thời, đơn vị này cũng được giao các nhiệm vụ thử nghiệm và đánh giá các công nghệ có giá trị quan trọng đối với các hạm đội của hải quân Mỹ.
Với hoạt động vừa qua của tàu khu trục tên lửa USS Decatur, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai Hạm đội 3 lại chỉ huy một hoạt động hải quân tại vùng biển châu Á, theo tờ The Japan Times. Chiến hạm này thuộc Đội tác chiến mặt nước gồm ba tàu được Mỹ triển khai đến khu vực biển Đông khoảng sáu tháng trước, theo phát ngôn viên Hạm đội 3 Ryan Perry. Ông cũng chính là vị quan chức hải quân xác nhận hoạt động lần này của USS Decatur được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của San Diego.
Chuẩn Đô đốc Nora Tyson, nữ tư lệnh hải quân đầu tiên trong lịch sử Mỹ, chỉ huy Hạm đội 3.
Đường đổi ngày quốc tế tại Hawaii trước nay được xem là “biên giới” hành chính giữa hai hạm đội trên Thái Bình Dương. Theo tạp chí Nikkei Asian Review, thông thường khi tàu thuộc biên chế Hạm đội 3 đi qua khỏi ranh giới này, họ sẽ được đặt dưới sự chỉ huy của đầu não chiến lược của Hạm đội 7 tại Nhật Bản. Hoạt động tuần tra của USS Decatur, với danh nghĩa là nhằm thách thức “các tuyên bố hàng hải quá mức” của Trung Quốc tại vùng biển khu vực, đã phá bỏ truyền thống này.
Tác chiến trên hai mặt trận
Đô đốc chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift vào năm 2015 đã báo trước về kế hoạch tăng cường vai trò của Hạm đội 3. Ông thông báo sẵn sàng xóa bỏ ranh giới chỉ huy hải quân giữa hai hạm đội. Đầu năm 2016, một quan chức khác của Lầu Năm Góc cũng đã lên tiếng thông báo Hạm đội 3 sẽ gửi nhiều tàu hơn sang khu vực Đông Á. Trả lời tờ Nikkei Asian Review, ông Swift mô tả hoạt động này được thực hiện trong bối cảnh “khu vực đang bất ổn và nhiều lo sợ”. Ông cũng bày tỏ mong muốn tận dụng “sức mạnh tổng hợp” của toàn bộ Hạm đội Thái Bình Dương với hơn 140.000 thủy thủ đoàn và gần 200 tàu hải quân.
Tờ The Daily Caller nhận định việc cho phép Hạm đội 3 chỉ huy các hoạt động trong khu vực cùng với Hạm đội 7 sẽ giúp Mỹ đảm bảo khả năng cùng lúc đối đầu “hai mặt trận”. Tờ báo này đưa ra ví dụ Mỹ có thể cùng lúc đáp trả các hành động khiêu khích của Triều Tiên, vẫn vừa có thể đối trọng các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông. Ý tưởng này từng được Đô đốc Scott Swift đề cập vào tháng 6-2016 nhưng ở góc độ “hòa bình” hơn nhiều. Ông cho rằng việc tăng cường vai trò chỉ huy của Đô đốc Nora Tyson và Hạm đội 3, trong trường hợp xảy ra siêu bão và động đất trong khu vực, hai hạm đội có thể phân chia trách nhiệm cứu trợ nhân đạo.
Vào năm 2015, nữ Đô đốc Nora Tyson cũng từng đề cập đến ý định của Hạm đội Thái Bình Dương về việc xóa ngăn cách nhiệm vụ giữa hai hạm đội thành viên. “Sếp của chúng tôi, Đô đốc Swift, muốn xóa mờ đường đổi ngày quốc tế và đảm bảo rằng Hạm đội 3 cùng Hạm đội 7 có thể làm việc dễ dàng cùng nhau”. Theo bà, việc xóa mờ ranh giới này cho phép Mỹ linh động hơn trong chỉ huy và kiểm soát nguồn lực: “Tùy vào từng trường hợp, chúng tôi có sự linh động cao hơn trong việc ai chỉ huy và kiểm soát các lực lượng. Chúng tôi có được sự linh động trong điều động lực lượng và họ cần báo cáo cho chỉ huy nào”.