Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho hay nhóm tác chiến Thái Bình Dương, Hạm đội 3, bao gồm hai tàu khu trục tên lửa USS Spruance và USS Momsen, được điều động đến Đông Á trong tháng 4. Sẽ có thêm tàu thuộc Hạm đội 3 được điều đến khu vực. Một quan chức khác nói thêm các tàu này dự kiến tham gia hàng loạt chiến dịch, song người này không cung cấp thông tin chi tiết.
Hạm đội 3 đóng quân tại San Diego, bang California, bị giới hạn hoạt động đến bờ phía đông đường đổi ngày quốc tế ở Thái Bình Dương.
Tàu chiến USS Momsen thuộc Hạm đội 3 của Mỹ. (Nguồn: Navaltoday)
Tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review dẫn lời Đô đốc Scott Swift, chỉ huy Hạm đội 3, hôm 14-6 nói rằng động thái trên diễn ra trong "bối cảnh có sự mất ổn định và lo lắng trong khu vực", ám chỉ cách ứng xử của Trung Quốc thời gian qua.
Đô đốc Swift cho rằng hải quân Mỹ nên sử dụng "sức mạnh tổng hợp" của 140.000 thủy thủ, hơn 200 tàu và 1.200 phi cơ đã cấu thành Hạm đội Thái Bình Dương.
Hạm đội 3 có hơn 100 tàu, bao gồm bốn tàu sân bay. Trong khi đó, Hạm đội 7 đang đóng quân tại Nhật Bản, có một nhóm tàu sân bay tấn công, 80 tàu khác và 140 phi cơ.
Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định rằng việc điều thêm tàu thuộc Hạm đội 3 đến Đông Á nằm trong kế hoạch của Tổng thống Barack Obama nhằm chuyển 60% sức mạnh hải quân Mỹ đến châu Á, tái cân bằng nguồn lực trong khu vực để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines. Giới chức Trung Quốc còn đổ lỗi cho Mỹ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Bắc Kinh bày tỏ sự bất bình trước sự hiện diện của các tàu Mỹ ở khu vực biển Đông mặc dù Washington khẳng định đó chỉ đơn thuần là các hoạt động tuần tra nhằm bảo đảm tự do hàng hải.