Việc sử dụng vắcxin Quinvaxem tại Việt Nam, đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trong thời gian gần đây. Ảnh: TTX
Để làm sáng tỏ vấn đề, phóng viên đã trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhi bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, người có khá nhiều hiểu biết về vắcxin. Ông nói: “Theo tôi, bài báo đó có nhiều điểm chưa chính xác”.
Chưa chính xác như thế nào, thưa ông?
Bác sĩ đó sai khi dẫn chứng tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh viêm màng não, viêm phổi ở Ấn Độ thấp hơn tỷ lệ tử vong do chích Quinvaxem, từ đó lý luận không nên chích Quinvaxem vì tác hại vượt quá lợi ích. Nên nhớ, Quinvaxem có nhiều thành phần kháng nguyên, ngừa được năm loại bệnh (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi – viêm màng não do vi khuẩn Hib), nhưng kháng nguyên Hib không phải là tác nhân chính khiến Quinvaxem tạo ra nhiều tác dụng phụ, mà chính là thành phần ho gà toàn tế bào. Chích ngừa Hib chắc chắn có lợi vì gánh nặng do di chứng Hib gây ra nặng nề hơn cả chuyện tử vong.
Ông nói gánh nặng do Hib gây ra nặng nề là sao?
Nếu không chích ngừa Hib, trẻ có thể mắc bệnh và gánh nặng do di chứng rất nặng nề và tốn kém. Đối với trẻ dưới năm tuổi, tỷ lệ mắc viêm màng não do Hib là đứng đầu. Một ca viêm màng não rất tốn kém vì điều trị kéo dài và nếu đến trễ trẻ sẽ tử vong. Nếu không tử vong, trẻ sẽ có nguy cơ bị điếc, não úng thuỷ, bại não, khi đó gia đình và xã hội phải cưu mang suốt đời những trẻ này. Ở những nước có tỷ lệ mắc Hib không cao là do người dân chích ngừa Hib một thời gian dài, chứ không phải do nguyên nhân nào khác.
Nhưng thưa ông, vắcxin có thành phần ho gà toàn tế bào tương tự Quinvaxem bị cấm hoặc không được sử dụng ở các nước giàu có như Mỹ, Canada, châu Âu, Úc và Nhật.
Cần nói là những quốc gia đó cũng sử dụng vắcxin ho gà toàn tế bào trong nhiều năm, nay có vắcxin thay thế và người ta chứng minh được rằng với một số tiền lớn bỏ ra cho vắcxin mới, tác dụng phụ và chi phí chữa tác dụng phụ cũng ít hơn, người dân yên tâm hơn thì họ sử dụng vắcxin mới, chứ không có chuyện cấm cản gì ở đây cả. Ở những nước có vấn đề với ho gà toàn tế bào khi chưa có vắcxin thay thế, chính phủ cũng bị áp lực từ công luận và người dân bỏ chích. Tuy nhiên, các nhà khoa học ở những nước đó đã khuyên người dân chích lại vì bỏ chích rất nguy hiểm. Ở đây cần nhà khoa học và giới truyền thông vào cuộc với trách nhiệm giải thích rõ ràng, tường tận, không thiên lệch vì lợi ích cá nhân.
Có dư luận cho rằng công nghệ làm Quinvaxem đã lạc hậu và bản thân Hàn Quốc sản xuất cũng không sử dụng vắcxin này.
Công nghệ lạc hậu vậy tại sao Quinvaxem vẫn được hàng chục nước trên thế giới mua? Phải nói rõ, công nghệ làm Quinvaxem Hàn Quốc là của Novartis, một đại gia nổi tiếng thế giới về lĩnh vực vắcxin. Chúng ta nên nhìn dưới góc cạnh quy luật cung – cầu, nếu nhà sản xuất Hàn quốc mua công nghệ làm vắcxin mà biết không ai mua sản phẩm của mình họ mua làm chi. Còn tại sao Hàn Quốc không xài Quinvaxem vì người ta giàu. Hàn Quốc không xài Quinvaxem không có nghĩa họ không sản xuất.
Có dư luận cho rằng việc nước ta vẫn kiên trì sử dụng Quinvaxem là do dính dáng đến tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Không tổ chức nào áp đặt Chính phủ Việt Nam sử dụng vắcxin này hay vắcxin kia. Việc sử dụng Quinvaxem dựa trên cơ sở lắng nghe ý kiến tham khảo của nhiều tổ chức uy tín chứ không phải chỉ mình WHO, cân nhắc giữa lợi ích kinh tế, có lợi cho số đông và độ bền vững bao phủ bảo vệ cộng đồng nhằm đạt mục tiêu tiêu diệt bệnh. Để đạt điều này, người dân phải chích nhiều năm, trên một số lượng người dân nhất định. Chứ chích 2 – 3 năm rồi ngưng chích hay chích trên một số người giàu có thì chích làm gì. Trong điều kiện một quốc gia còn hạn chế nguồn lực như Việt Nam, thu nhập đại đa số người dân còn thấp, chọn lựa Quinvaxem đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng là đúng. Phải nói rõ, Quinvaxem người dân sử dụng hiện nay là do GAVI (liên minh Vắcxin và miễn dịch toàn cầu) tài trợ trong vài năm, sau đó chúng ta phải tự túc và cam kết theo đuổi lộ trình sử dụng vắcxin này. Xin một vắcxin tốt hơn, GAVI chắc cũng cho, nhưng liệu sau đó Chính phủ có đủ sức kham nổi hay không? Chúng ta còn nhiều bệnh cần giải quyết, nguồn lực lại có hạn, vì thế phải chi tiêu hợp lý.
Tuy vậy, trước những sự cố do Quinvaxem, người dân rất hoang mang.
Câu chuyện ở đây là chúng ta không giải quyết đến nơi đến chốn trong việc chỉ ra có mối liên hệ giữa chích Quinvaxem và sự cố hay không. Khi xảy ra tử vong sau khi chích, người dân quy ngay cho vắcxin chứ không nghĩ rằng do trẻ mắc một bệnh nào đó. Để làm rõ, chỉ có giải phẫu tử thi. Nhưng khi người dân từ chối giải phẫu tử thi, bao nhiêu vụ việc đi đến được tận cùng? Ngành y tế cũng có lỗi khi phản ứng chậm khi có sự cố, giải thích không rõ ràng cho người dân. Nhưng nói thật, nhân viên làm công tác tiêm chủng mở rộng là những người rất hy sinh. Họ không có lợi nhuận gì so với bên tiêm dịch vụ nhưng lại phải làm việc hết mình, khẩn khoản kêu người dân đưa trẻ đi chích ngừa, vì tương lai của đứa bé và toàn xã hội.
Quan sát giới truyền thông khá nhiều, ông nhìn nhận gì về vai trò của báo chí trong chuyện chích ngừa nói chung và Quinvaxem nói riêng?
Tôi nghĩ người viết báo cần dùng từ ngữ chính xác hơn. Khi em bé chích ngừa xong bị sốt, đau, sưng chỗ chích hay nặng hơn là sốc phản vệ, hãy gọi chính xác đó là “tác dụng phụ” hay “tác dụng không mong muốn” của vắcxin thay vì gọi là “tai biến”. Đừng nói là vắcxin chương trình tiêm chủng mở rộng, mà ngay cả vắcxin dịch vụ cũng có tác dụng phụ, chỉ có điều với vắcxin dịch vụ người ta không nói ra hay không làm ầm ĩ vì nếu làm thế thì còn ai đi chích, còn gì lợi nhuận!
Báo chí cũng cần viết đúng sự thật, không nên viết một chiều (thậm chí bị ai đó giật dây) khi suốt ngày hô lên “tai biến vắcxin nhiều quá”. Điều gì sẽ xảy ra cho người dân khi họ đọc thông tin này? Chắc chắn họ sẽ hoang mang. Người ở thành phố có điều kiện sẽ chuyển sang chích dịch vụ, còn người không có tiền hay ở vùng sâu, vùng xa chỉ còn nước bỏ chích. Lúc này, độ bao phủ vắcxin co lại, dịch bệnh rất dễ bùng phát, mà khi dịch bùng phát ai sẽ gánh chịu hậu quả? Là người nghèo, những người không dám chích vắcxin chương trình tiêm chủng mở rộng vì bị giới truyền thông gây hoang mang. Xin nói thẳng một điều, không chích Quinvaxem là thảm hoạ cho chương trình tiêm chủng mở rộng vì bao nhiêu công sức ngành y tế bỏ ra hàng chục năm qua để khống chế bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B sẽ đổ sông, đổ biển.
Xin hỏi thật ông, ông có lo sợ điều gì không khi nói ra những điều thẳng thắn như thế?
Tôi không sợ một khi tôi nói cho số đông và không có lợi ích cá nhân trong chuyện này.
Khi xảy ra những vụ việc tranh cãi khoa học, giới khoa học thường ngại bày tỏ quan điểm với báo chí. Với vụ việc Quinvaxem, điều này có đúng không? |
Theo Phan Sơn (SGTT)