Các ý kiến này băn khoăn về thủ tục tái thẩm hay giám đốc thẩm; về lỗi của cơ quan tố tụng; về tình tiết người phạm tội ra đầu thú và hàng loạt vấn đề liên quan khác. viện trưởng VKSND Tối cao đã giải thích: Kháng nghị tái thẩm hay giám đốc thẩm thì hậu quả pháp lý cũng như nhau, những vi phạm (nếu có) của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn bị xử lý. Không có chuyện kháng nghị giám đốc thẩm thì bị xử lý còn kháng nghị tái thẩm thì thoát trách nhiệm...
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang, các điều tra viên thuộc tổ điều tra vụ án của ông Chấn thời điểm năm 2003 giải trình và họ khẳng định không đánh đập, ép cung hay hướng dẫn ông Chấn khai như cáo buộc của ông Chấn tại đơn tố cáo. Còn hội đồng xét xử vụ án này thì không biết có Lý Nguyễn Chung, người vừa ra đầu thú, khi ra bản án. Không biết tức là không có lỗi nên không quy trách nhiệm được!? Nếu đúng là không có thông tin nào về Lý Nguyễn Chung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm đến phúc thẩm thì việc Chung ra đầu thú và khai nhận hành vi giết chị H. là tình tiết mới làm thay đổi cơ bản vụ án mà tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không biết trước khi ra bản án.
Giả sử trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã xuất hiện tình tiết thủ phạm gây ra vụ án giết người là Lý Nguyễn Chung chứ không phải ông Chấn nhưng Chung bỏ trốn, công an không chứng minh được thì việc Chung ra đầu thú không phải là tình tiết mới nữa. Vì thế, phải xác định tình tiết về Lý Nguyễn Chung xuất hiện trước hay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật để xem việc Chung ra đầu thú có phải là tình tiết mới hay không. Mặc dù các điều tra viên, thẩm phán không nhận có vi phạm pháp luật nhưng những gì xảy ra đối với ông Chấn gần 10 năm qua cho thấy có quá nhiều vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Nhưng để có căn cứ khẳng định điều này phải trả lời câu hỏi: Nếu không có tình tiết Lý Nguyễn Chung ra đầu thú thì với những gì xảy ra đối với ông Chấn có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hay không? Nếu là không thì tất cả vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (nếu có) chỉ là sai lầm không nghiêm trọng.
Còn câu trả lời là có thì tại sao 10 năm qua không kháng nghị giám đốc thẩm?! Chưa hết, vì sao ông Chấn và gia đình có nhiều đơn kêu oan nhưng đến ngày có quyết định kháng nghị tái thẩm, VKSND Tối cao vẫn không nhận được đơn của ông Chấn và gia đình? Ai đã ỉm đơn kêu oan của ông Chấn? Việc không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm không phải vì không có sai lầm nghiêm trọng mà do không phát hiện hoặc phát hiện không ra những vi phạm của cơ quan tố tụng cấp sơ và phúc thẩm nên phải làm rõ trách nhiệm của cấp giám đốc thẩm thì mới có căn cứ xử lý những cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng.
Về tố tụng, vụ án cũng đặt ra một vấn đề khác là trong một vụ án vừa có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản vụ án vừa có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án cùng được phát hiện thì giải quyết theo thủ tục tái thẩm hay giám đốc thẩm? Điều này BLTTHS không thấy quy định. Thực tế, gặp những trường hợp như thế, TAND Tối cao và VKSND Tối cao chọn giải pháp trao đổi để thống nhất chọn thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm.
Đây cũng là vấn đề các nhà lập pháp phải suy nghĩ. Vậy nên nếu nhập hai thủ tục phá án thành thủ tục “xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật” sẽ tránh tranh cãi.
ĐINH VĂN QUẾ