Hàng ngàn học sinh nghỉ học vì sâu đo “tấn công”

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, gần một tuần nay, hơn 10.000 học sinh, giáo viên huyện Anh Sơn (Nghệ An) đang phải “chung sống” với sâu đo. Ngày 10-9, sâu đo với mật độ dày đặc tiếp tục bò vào “tấn công” các trường học ở xã Phúc Sơn và Hội Sơn (huyện Anh Sơn) khiến 550 em phải nghỉ học, nâng tổng số học sinh trên địa bàn huyện Anh Sơn nghỉ học lên 1.850 em.

Con sâu làm rầu trường học

Sâu đo to gần bằng chiếc đũa, dài chừng 3 cm, hầu hết sâu đo chỉ ăn trọc hết lá xanh các cây bàng, cây phượng... Sau khi sâu ăn trọc hết lá xanh thì chúng tràn xuống bò vào hành lang, leo lên bàn ghế, đồ dùng, sách vở trong phòng học và phòng ở của học sinh, cán bộ và giáo viên. Các thùng đựng nước của giáo viên, người dân luôn phải đậy kín để không bị sâu rơi vào. Loại sâu đo mới xuất hiện không có lông gây ngứa như sâu róm nhưng nhìn thân hình rất ghê bởi sâu có đầu màu đỏ, thân màu khoang loang lổ, khi giết sâu có chất dịch màu đỏ tiết ra như máu.

Các giáo viên cho biết chưa bao giờ thấy sâu bò vào phòng học nhiều khủng khiếp như vậy. Thầy Nguyễn Khắc Hiệp (giáo viên Trường THPT Anh Sơn 3) nói: “Hầu hết các phòng học của trường đều bị sâu chui vào. Sâu từ trên các tán cây nhảy vào áo quần, đầu tóc các thầy cô. Sâu bò lên bục giảng, chui vào bàn ghế học sinh và bám đầy các bức tường. Nhiều nữ sinh bị sâu rơi lên tóc, lên người đã quá sợ hãi khóc và ngất xỉu”.

Ông Nguyễn Đức Vĩnh, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Anh Sơn, cho biết: “Nhiều trường ở các xã Tam Sơn, Hội Sơn, Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Phúc Sơn đang phải đóng cửa để trường phun thuốc diệt sâu. Sâu không chỉ tấn công trường học mà còn bò vào Phòng Giáo dục huyện và trụ sở UBND huyện Anh Sơn. Các trường học, công sở phải liên tục quét sâu, bắt sâu đổ vào hố đốt tiêu hủy”.

Hàng ngàn học sinh nghỉ học vì sâu đo “tấn công” ảnh 1

Số sâu mà giáo viên thu gom được trong một phòng học. Ảnh: AN DUYÊN

Theo ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn thì loài sâu đo xuất hiện nhiều, ăn lá cây bàng, cây phượng là loài sâu lạ. Chúng ăn tạp đến trụi lá cây và xuất hiện đồng loạt với mật độ ngày càng dày. Khác với loài sâu đo trên lúa, khoai lang, sâu nhỏ chỉ có thân màu xanh và không ăn tạp.

Những ngày qua, sâu đo cũng xuất hiện và tấn công vào Trường Tiểu học xã Thạch Lâm I (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa). Sâu đo “thả dù” xuống bám vào quần áo thầy cô và học trò, bò lên bục giảng, ngăn bàn, khu nội trú… Ban giám hiệu Trường Tiểu học Thạch Lâm I cho biết phải vừa dạy học vừa bắt sâu để cho kịp chương trình. Đây là lần đầu tiên sâu đo “tấn công” trường học ở Thạch Thành.

Sâu đo không cắn người, gây độc

Ông Trần Văn Lựu, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Anh Sơn, người đang trực tiếp chỉ huy phun thuốc dập “dịch sâu đo” trên địa bàn huyện, nhận định: “Năm nay, sau bão số 3 và mưa lũ vừa qua, tại đây xuất hiện nhiều sâu phá hoại mùa, rau màu và lúa. Nhưng sâu đo chỉ toàn phá cây phượng, cây bàng. Sau khi ăn hết lá thì sâu tự bật rơi xuống đất bò đi tránh mưa, nắng nên đã có hiện tượng sâu “tấn công” vào trường học. Loài sâu này xuất phát từ bướm đẻ kén trên cây phượng, cây bàng, sau đó nở ra và lớn nhanh. Thời gian sinh trưởng và sống của sâu này không kéo dài, thường khoảng một tháng sau khi sâu ăn hết lá bàng và lá phượng thì tự chết. Những năm trước sâu đo cũng xuất hiện tại huyện Anh Sơn nhưng rất ít, còn năm nay bùng phát quá nhiều. Có thể do các loài chim ăn sâu bị săn bắt dường như cạn kiệt dẫn đến sâu hoành hành như vậy... Chúng tôi đang giải thích cho người dân không quá lo lắng với loài sâu này, bởi nó không cắn người, không gây độc. Hiện những cây bàng, cây phượng thì phun thuốc, còn trong phòng thì tự bắt sâu để tránh phun thuốc sâu gây độc”.

ĐẮC LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm