Hàng nghìn trẻ bị xâm hại, báo động về sự suy đồi đạo đức

Chính phủ vừa hoàn thành dự thảo báo cáo đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó đề cập đến nhiều vụ xâm hại tình dục tại các trường học…

Từ năm 2015-2018 và sáu tháng đầu năm 2019, toàn quốc có 8.091 trẻ em bị xâm hại, gồm 1.059 nam và 7.032 nữ. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 91 trẻ em bị giết; 666 trẻ bị cố ý gây thương tích; 144 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt...

Nạn nhân bị xâm hại tình dục có cả trẻ mầm non

Theo Chính phủ, 63/63 tỉnh, TP trên cả nước đều xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em. Một số địa phương xảy ra những vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội như Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Bắc Giang, Vĩnh Long, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Nội. Các hành vi xâm hại trẻ em xảy ra tại cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ em.

       Vụ ông Nguyễn Hữu Linh, cựu phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng xâm hại trẻ em ở TP.HCM.

Tính chất vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Nạn nhân bị xâm hại tình dục có cả những trẻ em tuổi mầm non. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động về sự suy đồi đạo đức như hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em, người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi, thầy giáo xâm hại tình dục học sinh...

“Điển hình như vụ xâm hại bảy trẻ em ở Trường Tiểu học Vĩnh Phú Đông (Phước Long, Bạc Liêu), vụ xâm hại 13 trẻ ở Trường Tiểu học - THCS Tam Lập (Phú Giáo, Bình Dương). Đặc biệt, gần đây có vụ hàng loạt học sinh từ 12-14 tuổi Trường dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ bị thầy hiệu trưởng xâm hại tình dục…” - báo cáo nêu rõ.

Cạnh đó, còn có tình trạm xâm hại tình dục trẻ em mang tính loạn luân như cha đẻ xâm hại con gái ruột, cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ trong một thời gian dài, ông xâm hại cháu.

Các vụ xâm hại trẻ em không chỉ gây hậu quả trước mắt mà còn ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ, ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển não bộ của trẻ em, sức khỏe thể chất và tâm thần.

Đặc biệt, trẻ có nguy cơ bỏ học, kết quả học tập kém, quan hệ tình dục sớm, mang thai và sinh con khi chưa đến tuổi trưởng thành, các vấn đề về hành vi, kể cả các hành vi bạo lực và vi phạm pháp luật.

Một số tình tiết cấu thành tội phạm chưa được quy định

Liên quan đến các quy định pháp luật, Chính phủ nhìn nhận các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em thời gian qua đã được quan tâm hoàn thiện. Tuy nhiên, một số quy định, chính sách cụ thể vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện.

Cụ thể, các quy định pháp lý về quy trình tố tụng thân thiện đối với các vụ án xâm hại trẻ em, về sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp và các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bắt đầu từ điều tra, giám định pháp y cho đến truy tố, xét xử, phục hồi, hòa nhập đối với trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục chưa cụ thể, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Cạnh đó, một số dấu hiệu hoặc tình tiết cấu thành tội phạm xâm hại trẻ em chưa được quy định cụ thể trong BLHS như dâm ô, khiêu dâm, hành vi quan hệ tình dục khác... Một số hình thức xâm hại trẻ em chưa được quy định cụ thể như rủ rê, mồi chài, văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em...

Pháp luật xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định riêng về xử lý đối với hành vi xâm hại trẻ em. Nghị định 167/2013 của Chính phủ mới chỉ xử lý đối với hành vi, cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác và mức xử phạt rất thấp.

“Ngoài ra, pháp luật về giám định tư pháp chưa quy định pháp luật cụ thể về thời điểm trưng cầu giám định, thời gian giám định trong trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục. Quyền yêu cầu giám định của cha, mẹ, người giám hộ và của trẻ em bị xâm hại tình dục còn bị hạn chế…” - báo cáo nêu rõ.

Cần bộ quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác

Để hạn chế tình trạng trên, Chính phủ cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em và can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.

“Ưu tiên giải quyết, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ xâm hại trẻ em, rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc xâm hại trẻ em đang tồn đọng, chưa xử lý kịp thời. Bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong quá trình tố tụng…” - Chính phủ nêu giải pháp.

Cạnh đó, cần tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em bao gồm bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em, bố trí ngân sách địa phương để thiết lập, triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Đặc biệt là thành lập nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã để triển khai có hiệu quả quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại theo quy định của Nghị định 56/2017 của Chính phủ.

Ngoài ra, Chính phủ kiến nghị VKSND Tối cao phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS về quy trình, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Đối với TAND Tối cao, hướng dẫn theo thẩm quyền các quy định liên quan đến việc tòa án ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trong trường hợp trẻ em bị xâm hại bởi chính cha, mẹ, người chăm sóc theo khoản 3 Điều 52 Luật Trẻ em.

“Mở rộng tổ chức và hoạt động của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên nâng cao năng lực cho thẩm phán, hội thẩm nhân dân về xét xử các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em…” - Chính phủ nêu kiến nghị để hạn chế nạn xâm hại trẻ em.

                         Hơn 8.000 trẻ em bị xâm hại

Theo Chính phủ, hiện nay số lượng trẻ em trên toàn quốc là 26.372.278, trong đó trẻ em nam là 13.449.862, trẻ em nữ là 12.922.416. Từ năm 2011-2014, toàn quốc có 7.211 trẻ em bị xâm hại. Từ năm 2015-2018 và sáu tháng đầu năm 2019, toàn quốc có 8.091 trẻ em bị xâm hại, gồm 1.059 nam và 7.032 nữ. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 6.248 vụ, xử lý hành chính 1.234 vụ, đang điều tra, xác minh hoặc hình thức xử lý khác 342 vụ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới